Kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Tư pháp

11/09/2015

Ngày 11/9, phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Tư pháp đã kết thúc với buổi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 và dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên họp                                 Ảnh: Đình Nam

Về báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13, Ủy ban Tư pháp nhận định, Báo cáo tương đối đầy đủ, chuẩn bị công phu, chi tiết; đánh giá được những kết quả đạt được; đồng thời nêu những mặt còn hạn chế; phân tích nguyên nhân và dự kiến giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Đánh giá cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định Thừa phát lại của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc, có lộ trình phù hợp, lựa chọn được địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau để có cơ sở kiểm chứng, đánh giá khách quan. Chính phủ đã tổ chức tổng kết theo đúng yêu cầu của Quốc hội, báo cáo tổng kết đề cập khá toàn diện các mặt hoạt động liên quan đến việc thực hiện thí điểm cũng như những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thí điểm.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm. Hoạt động Thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại đã khẳng định chủ trương, định hướng và nội dung thí điểm được kiểm nghiệm trong thực tế đã thành công bước đầu, nhất là với loại hình dịch vụ có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, ngoài những nội dung như báo cáo của Chính phủ đã nêu, quá trình thực hiện thí điểm vẫn còn những vấn đề cần được đánh giá, phân tích sâu sắc hơn nữa như: đội ngũ hành nghề Thừa phát lại còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại mặc dù đã được thực hiện nhưng hiệu quả đạt được còn hạn chế...

Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Đào Thị Xuân Lan phát biểu tại phiên họp

Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ cần tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của tổ chức này cũng như mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp khác để tránh trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm dân sự của Thừa phát lại trong trường hợp thực hiện các hoạt động gây thiệt hại cho đương sự.

Về dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp, Ủy ban Tư pháp nhận thấy Ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về công tác đào tạo một số chức danh tư pháp, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo kinh nghiệm nước ngoài về công tác đào tạo và rà soát quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Ủy ban Tư pháp tán thành với căn cứ pháp lý ban hành Pháp lệnh vì cho rằng hiện nay hoạt động đào tạo nghề của các chức danh tư pháp chưa được điều chỉnh trong Luật giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp. Việc ban hành Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp sẽ tạo mặt bằng chung để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành mô hình đào tạo mới, góp phần mở rộng hơn nguồn nhân lực để bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ chức danh tư pháp, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Ban soạn thảo cần giải trình rõ về tính đặc thù trong hoạt động đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư để làm cơ sở quy định việc hỗ trợ kinh phí đào tạo của Nhà nước.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát để chỉnh lý cả về mặt nội dung và kỹ thuật văn bản đối với một số vấn đề: về việc liên thông giữa các chương trình đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư (Điều 8 - Yêu cầu đối với Chương trình đào tạo); về phần kiến thức tự chọn (Điều 22 - Chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư)…

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho đổi tên gọi của Dự án Pháp lệnh là “Pháp lệnh đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư”. Nếu giữ tên “Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp” thì sẽ rất rộng vì khái niệm “chức danh tư pháp” hiện nay chưa được quy định chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật và còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Những nội dung được thảo luận tại phiên họp toàn thể lần này của Ủy ban Tư pháp sẽ được sửa đổi, bổ sung để chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 14-24/9 và Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII.

Vân Ngọc