Tham dự cuộc làm việc: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh; đại diện Cục Phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong giai đoạn 2014 – 2018, triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan tổ chức và cá nhân tuân thủ nghiêm túc quy trình quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC trong đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển và chỉnh sửa kịp thời những tồn tại, thiếu sót về PCCC trong quá trình thiết kế, thi công công trình nhất là các giải pháp ngăn ngừa cháy, giải pháp bảo đảm các điều kiện phục vụ cho công tác báo cháy. Trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thẩm duyệt về PCCC với 957 hạng mục, công trình. Cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra, cấp 842 giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ. Công tác đầu tư và quản lý trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ được quan tâm, tổng số xe chữa cháy cứu nạn, cứu hộ cơ giới là 25 xe. Nhìn chung, công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến rõ nét. Ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC được nâng lên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, theo phản ánh của địa phương, việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như Phụ lục I của Nghị định 79/2014/NĐ-CP chưa quy định đầy đủ, bao quát hết các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó, một số loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao lại chưa được đưa vào diện quản lý như nhà ở kết hợp kinh doanh, căn hộ cho thuê. Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng chưa thực sự quan tâm tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC…
Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả tích cực của Khánh Hòa về PCCC. Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về PCCC tại cấp tỉnh, cấp huyện; chỉ đạo ký kết và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an và các sở, ban, ngành trong công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo quyết liệt việc xử lý các công trình không bảo đảm an toàn PCCC. Công tác đầu tư, bảo đảm kinh phí - tài chính cho công tác PCCC được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh làm rõ khi HĐND tỉnh chưa ban hành được Nghị quyết về xử lý vi phạm đối với các công trình đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực thì UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện việc này như thế nào? Trong PCCC thì phòng ngừa rất quan trọng, trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có rất nhiều khách sạn, công trình cao tầng đã và đang được xây dựng, tập trung rất đông người, hạ tầng đô thị lại còn nhiều tồn tại, bất cập. Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo rõ những việc đã làm được để phòng, ngừa cháy nổ trên địa bàn.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn giám sát của QH Lê Thị Nga đánh giá cao tỉnh Khánh Hòa đã triển khai tốt công tác PCCC góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phó trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga cũng yêu cầu thời gian tới, Khánh Hòa cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn để đưa ra các giải pháp PCCC hiệu quả; tiếp tục xác định PCCC là yêu cầu tự thân của phát triển kinh tế - xã hội, coi trọng công tác phòng ngừa, thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” gồm “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ”. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng cần công khai những công trình vi phạm về PCCC để người dân được biết; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, các ngành trong thực hiện công tác PCCC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.