ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ DUNG QUẤT VÀ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP QUẢNG NGÃI

23/03/2019

Chiều 22/3, tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018 do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga dẫn đầu đã làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi (BQL) về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018 cho thấy, BQL đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện đến các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi; phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức 7 đợt kiểm tra, giám sát tại 29 doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc

Trong giai đoạn 2014-2018, tại các trụ sở làm việc của Ban Quản lý không để xảy ra cháy, nổ; chưa để xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ cháy xảy ra tại các công ty, ví dụ, năm 2016 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty TNHH Minh Dương Dung Quất do chập điện, không gây thiệt hại về người nhưng tài sản bị thiệt hại ước tính khoảng 800 triệu đồng; hay tháng 2.2018 đã xảy ra cháy tại nhà máy viên nén thuộc Công ty Cổ phần năng lượng Á Châu cũng do chập điện, thiệt hại ước tính 65 triệu đồng…

Báo cáo cũng chỉ rõ, trong một số trường hợp cụ thể, việc phối hợp của BQL với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn còn lúng túng, vận hành các bến, bể và trụ nước chữa cháy trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc triển khai đầu tư lắp đặt các thiết bị về PCCC theo đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công về PCCC đã được cảnh sát PCCC tỉnh thẩm duyệt dẫn đến bị xử phạt vi phạm. Phần lớn các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bố trí lực lượng PCCC tại chỗ là kiêm nhiệm nên còn nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC.

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của Ban Quản lý trong việc tổ chức, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, báo cáo chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Ban Quản lý tự kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình; chưa nêu được cụ thể vi phạm đã phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, cũng như kiến nghị, xử lý theo quy định pháp luật đối với tỏ chức, cá nhân vi phạm; chưa nêu rõ công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới cấp nước chữa cháy trong Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Lưu ý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, Phó trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga yêu cầu BQL nỗ lực khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác PCCC đã được chỉ ra, trong đó có tình trạng còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, thực hiện PCCC.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, Phó trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga đề nghị, BQL thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình về PCCC theo quy định; coi PCCC là nhiệm vụ sống còn của đơn vị, doanh nghiệp; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vận tư, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp thực hiện nhiệm vụ này, chú trọng xây dựng lực lượng PCCC…

+ Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn và khảo sát tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất về thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC.

 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)