Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm việc cùng UBND huyện Sa Pa
Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai gồm có 17 xã, 01 thị trấn với 116 thôn, tổ dân phố. Dân số của huyện Sa Pa trên 65.000 người trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Đời sống vật chất tinh thần của đa số hộ đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Tổng số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn là 24.892 em (trong đó nam 12537, nữ là 12396).
Thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển kinh tế cũng như nâng cao việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, vẫn xảy ra 11 vụ trẻ em bị xâm hại trên địa bàn huyện. Địa bàn xảy ra chủ yếu tập chung tại thị trấn Sa Pa, ngoài ra một số vụ xâm hại xảy ra ở địa bàn xã Bản Khoang, Tả Phìn, Lao Chải, Sa Pả…
Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại thường là người thân thích, là hàng xóm, hay các đối tượng quen qua mạng xã hội. Ngoài ra, do ảnh hưởng của văn hóa phẩm phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên các trang mạng internet...
Hành vi xâm hại không chỉ gây hậu quả về tính mạng, tổn thương về sức khỏe, tinh thần, thiệt hại về tài sản cho trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục.
Chủ tịch huyện Sa Pa Lê Tân Phong cũng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân tình hình xâm hại trẻ em gia tăng là do tác động của nền kinh tế thị trường. Điều kiện kinh tế tại một số xã vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Thêm vào đó, đa phần các vụ xâm hại là do thiếu sự quan tâm từ phía gia đình.
Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như: Công tác tuyên truyền; việc tiếp nhận thông tin; xử lý đối tượng cũng như những khó khăn về nhân sự... hay sự phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em tại địa phương…
Đánh giá báo cáo của UBND huyện Lào Cai, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần phải cụ thể hơn, nhất là với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo: “Huyện đã có bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề? Qua công tác thanh tra các đồng chí đã đưa ra bao nhiêu vấn đề?”
Tại buổi làm việc, đại biểu Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn cần làm rõ hơn về khái niệm “xâm hại” bởi trẻ em bị xâm hại còn có cả trẻ em bị bỏ rơi, bạo lực nhà trường cũng là xâm hại. Không nên hiểu đơn thuần là chỉ có xâm hại tình dục.
Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga đánh giá cao công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em của huyện Sa Pa. Đó là những cách làm mới, mô hình mới sát với thực tiễn địa phương, như sử dụng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền, việc xã hội hóa các hoạt động.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng chỉ ra những bất cập trong thực tế như: công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề còn chưa thường xuyên, việc phối hợp giữa các ban ngành còn nhiều hạn chế... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu các cơ quan hữu quan cần cảnh giác với tỷ lệ “tội phạm ẩn” trong các vụ việc xâm hại trẻ em bởi xâm hại tình dục trẻ em là một dạng tội phạm ẩn tương đối lớn, những con số được thống kê chỉ là những vụ việc được phát hiện. Đa phần các em bị xâm hại có hoàn cảnh khó khăn, không được quan tâm đầy đủ, bị đẩy ra ngoài xã hội, làm thuê làm mướn, gia đình tan vỡ phải ở với bố dượng, người quen… Vì vậy, khi bị xâm hại một phần không có người chia sẻ, mặt khác do mặc cảm nên không tố cáo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khảo sát tại trường tiểu học thị trấn Sa Pa
+ Trước đó, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực tế việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại hai cơ sở đó là trường Tiểu học thị trấn Sa Pa và Trung học cơ sở Sa Pả.