ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP LÀM VIỆC VỀ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH TẠI ĐÀ NẴNG

19/04/2022

Sáng nay 19/4, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND giai đoạn 2019-2021 có buổi làm việc với các cơ quan hữu quan Tp.Đà Nẵng.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo Đoàn giám sát, đại diện Sở Tư pháp Tp.Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2019 – 2021, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện là 96 vụ trên 225 nghìn quyết định hành chính, chủ yếu về lĩnh vực đất đai, nhà ở, khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất, bố trí đất tái định cư, bồi thường do bị thu hồi đất. Số vụ án không tổ chức đối thoại được do người bị kiện là Chủ tịch UBND, UBND vắng mặt là 55 vụ, chiếm 57%. Số phiên tòa hoãn do người bị kiện là Chủ tịch UBND, UBND vắng mặt là 63, chiếm 65%. Nguyên nhân là do theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Chủ tịch UBND bị khởi kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, dẫn đến nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động của UBND. Tổng số bản án, quyết định của Tòa án được thi hành là 16 vụ, còn chưa thi hành xong là 2 vụ, trường hợp phải có quyết định của Tòa án buộc thi hành mới thi hành là 7 vụ.

Giám đốc Sở Tư pháp Tp.Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho biết các nội dung vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật đã được UBND thành phố, các sở, ngành kiến nghị bằng văn bản qua nhiều chuyên đề, theo các đợt rà soát. Do đó UBND Tp.Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát các vướng mắc, bất cập, sớm sửa đổi và hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, khắc phục tình trạng quy định nhiều văn bản hướng dẫn như hiện nay nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng.

Giám đốc Sở Tư pháp Tp.Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa

Đà Nẵng cũng đề nghị TAND các cấp sớm đưa vào tổ chức phiên tòa hành chính trực tuyến, tạo thuân lợi cho UBND, Chủ tịch UBND tham gia phiên tòa. Ngoài ra đề nghị TAND các cấp nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện đối thoại, nhằm rút ngắn thời gian đi lại của người dân và UBND, Chủ tịch UBND nhưng vẫn đảm bảo việc người dân được đối thoại với lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên quan đến đối tượng bị kiện”.

Ông Nguyễn Văn Bường - Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư hai phòng xử trực tuyến, nếu kết nối được với chính quyền địa phương thì sẽ thuận lợi cho hoạt động đối thoại và xét xử, nhất là án hành chính, còn trước mắt sử dụng nền tảng hiện tại của các tòa án địa phương.

Qua nghe báo cáo và trao đổi thảo luận, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, kết quả của các cơ quan ban hành và thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính, cũng như việc giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, thiếu sót cần khắc phục, trong đó đoàn lưu ý UBND, Chủ tịch UBND các cấp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan trong việc tham gia tố tụng và thi hành án hành chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đánh giá số vụ khiếu kiện hành chính trên địa bàn Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng, với 96 vụ so với giai đoạn trước chỉ hơn 40 vụ. Một số trường hợp chất lượng của quyết định hành chính, hành vi hành chính chưa cao, trong số 96 quyết định bị khởi kiện thì có tới 12 quyết định bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần, 4 hành vi hành chính bị tuyên trái pháp luật.

Trưởng Đoàn giám sát cũng lưu ý việc tham dự phiên tòa, tham gia đối thoại của Chủ tịch UBND, UBND ở Đà Nẵng đã có cố gắng, tỷ lệ này cao hơn so với nhiều tỉnh/thành khác nhưng vẫn là không cao, nhiều phiên tòa mà Chủ tịch UBND không tham gia. Bên cạnh đó, một số cơ quan chuyên môn của UBND chưa phối hợp tốt với Tòa án. Đây là những hạn chế mà Đà Nẵng cần khắc phục trong thời gian tới./.

Nguyễn Hùng

Các bài viết khác