Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương chỉ ra rằng, Luật Phòng, chống mua bán người đã có hiệu lực hơn 6 năm nhưng đến nay các bộ, ngành chức năng chưa tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định để trên cơ sở đó ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật. Về vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1173/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luât Phòng chống mua bán người, trong đó có đề xuất xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhưng không đề cập đến việc giao cho bộ, ngành nào chủ trì xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Mặt khác, theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật, Bộ Công an chưa ban hành được Thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ.
Thượng Tướng Lê Quý Vương cũng cho biết, các văn bản hướng dẫn một số nội dung của Luật Phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành 5,6 năm nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Cụ thể như hạn mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, 01 triệu đồng/ người, chưa đảm bảo cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng; hoặc chưa có quy trình chuẩn trong công tác xác minh, xác định và giải cứu nạn nhân để các ngành và địa phương thực hiện thống nhất…Từ phân tích trên, Bộ Công an đề nghị Bộ Tư pháp đánh giá tác động Luật Phòng, chống mua bán người sau hơn 6 năm có hiệu lực thi hành và đề xuất hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, nhất là đối với một số hành vi mới của mua bán người hiện nay.
Trao đổi về nội dung này, đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, Luật Phòng chống mua bán người của nước ta với các nước tiếp giáp còn nhiều điểm khác nhau, việc quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ liên quan đến tệ nạn xã hội của các nước tiếp giáp còn nhiều bất cập. Không những thế, việc bắt giữ, điều tra các vụ án mua bán người rất khó khăn trong tình hình hiện nay. Do đó, Bộ Quốc phòng đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người để thống nhất với Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và quy định cụ thể hơn đối với công tác giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người trong từng chính sách của Luật. Cụ thể: về chính sách tiếp nhận nạn nhân, đề nghị bổ sung quy định về cung cấp nơi lưu trú tạm thời và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân đảm bảo yếu tố giới. Về chính sách trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, đề nghị bổ sung Khoản 1, Điều 40 Luật Phòng, chống mua bán người quy định về nhiệm vụ của cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong việc phối hợp với các Trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân khi họ đang lưu trú tại các cơ sở này…
Đặt trong mối liên hệ của hệ thống pháp luật Việt Nam, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế để tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất trong công tác phòng, chống, mua bán người. Do đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người đề bảo đảm thống nhất, đồng bộ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định đang tạo ra những điểm nghẽn cơ bản trong công tác quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi, trong đó có một số quy định liên quan đến phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tội mua bán người và bảo vệ nạn nhân thuộc ngành, lĩnh vực quản lý được phân công có liên quan đến Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý…để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo thi hành hiệu quả các đạo luật này./.