LÀM RÕ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG TƯ PHÁP QUỐC GIA

14/09/2023

“Cần làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia…” là một trong được nội dung trọng tâm được nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Tư pháp tổ chức tại Hà Nội vào sáng 14/9.

SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN: ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN VÀ THỂ CHẾ HÓA KỊP THỜI CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VỀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) 

Dự thảo Luật gồm 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.

Tại dự thảo, quy định thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia dựa trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; đồng thời, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng Tư pháp quốc gia như thể hiện tại Điều 38, 39 Dự thảo luật. Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Toà án nhân dân; bảo vệ Thẩm phán… để tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các Toà án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Toà án; phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử. Đây là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân

Quan tâm góp ý vào nội  dung này, TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân cho rằng, trong dự thảo luật mới chỉ đề cập tới chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia từ khi nhận được hồ sơ do Tòa án nhân dân cấp dưới đề nghị. Do vậy, việc lý giải tại Tờ trình “Hội đồng tư pháp quốc gia có chức năng … để tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các Tòa án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Tòa án; phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử” là chưa thật sự thuyết phục. 

Do đó, để hoàn thiện quy định, TS. Nguyễn Mai Bộ đề nghị nghiên cứu bổ sung để bảo đảm sự công tâm, khách quan và tuyển chọn được người có trình độ, năng lực làm Thẩm phán ngay từ khâu phát hiện và trong quá trình đề nghị bổ nhiệm từ cơ sở.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng, nhiệu vụ sau:” tại Điều 38        và cụm từ “…có chức năng, nhiệu vụ sau:” ở các điều 44, 54, 58, 60, 78…. Vì tên điều luật đã thể hiện và không bảo đảm đồng bộ với các điều luật khác. Trong tất cả các văn bản pháp luật về tổ chức như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương… cũng đều thiết kế theo hướng sau tên điều luật là các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà không có câu dẫn đề “…có chức năng, nhiệu vụ sau:”. Đồng thời, nghiên cứu chức năng, nhiêm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia “Bảo vệ Thẩm phán trong các trường hợp quy định tại Điều 102 của Luật này” quy định tại khoản 6 Điều 38 dự thảo Luật; nghiên cứu quy định tại khoản 1 “Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm” của Điều 40 dự thảo Luật; quy định tại điểm b khoản 3 “Bộ máy giúp việc khác của Hội đồng là các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch Hội đồng quyết định”;…

TS. Nguyễn Văn Tuân, Hội luật gia Việt Nam 

Tán thành sự cần thiết thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, tuy nhiên TS. Nguyễn Văn Tuân, Hội luật gia Việt Nam đề nghị, cần làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia. Theo TS. Nguyễn Văn Tuân, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia phải có tính đột phá. Mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.

TS. Nguyễn Văn Tuân đề xuất, mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia được thành lập ở Việt Nam, cần bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tòa án; kế thừa các chế định về quản lý tòa án... Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý của các chức danh tư pháp; đổi mới công tác quản lý cán bộ; xây dựng cơ chế phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với công chức có tài năng trong hoạt động công vụ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tòa án.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ chính của Hội đồng Tư pháp quốc gia là bảo đảm tính độc lập của thẩm phán và hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia được đề xuất tại dự thảo Luật thì một số nhiệm vụ chưa thực sự phù hợp với nhiệm vụ nêu trên (như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong Tòa án; quy định về thẩm quyền của Hội đồng Tư pháp quốc gia trong việc giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Tòa án nhân dân).

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, sau gần 10 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án. Vì vậy, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại  kỳ họp thứ 6 (10/2023) 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, thực hiện chức năng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp  - là kênh thông tin độc lập nhằm góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh