Dân yêu cầu chính đáng thì phải được giải quyết

15/06/2015

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Quy định tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi): “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng đây là dự án bộ luật lớn trình Quốc hội lần đầu, có nhiều chính sách mới, tiến bộ, có tính đột phá như về chứng cứ, về tranh tụng, về thủ tục rút gọn, về giám đốc thẩm...

Về quy định “Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, qua thảo luận vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái ngược. Nhiều ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo Bộ luật, cho đây là điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị, không nên bổ sung quy định này vì không có căn cứ để xét xử. Bởi án lệ không phải là nguồn luật chính thức. Việc áp dụng "nguyên tắc tương tự" và "lẽ công bằng" sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện khi xét xử.

Đại biểu Giàng Thị Bình-Lào Cai                                                                                       Ảnh: Đình Nam

Đồng tình với quy định tại khoản 2, Điều 4, đại biểu Giàng Thị Bình-Lào Cai nhấn mạnh, đây là nguyên tắc tiến bộ trong pháp luật tố tụng dân sự, nhằm đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Đại biểu Phạm Văn Hà-Nghệ An cũng cho rằng, việc bổ sung quy định như trên là cần thiết để thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Bộ luật giao cho Tòa án là phù hợp bởi Tòa án là cơ quan tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân...

Đại biểu Nguyễn Công Hồng-Đồng Nai                                                                                               

Cũng đồng tình với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Hồng-Đồng Nai phân tích, quy định trên hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, không mâu thuẫn với quy định "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã cho phép Tòa án được phát triển án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng xét xử. Do đó, "tuân theo pháp luật" nên được hiểu rộng hơn, không chỉ là những quy định cụ thể của luật thực định hay của luật nội dung mà là cả những điều pháp luật cho phép.

Hơn nữa, đây là quy định hết sức cần thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội hiện nay và trong tương lai ở nước ta. Chúng ta đang xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Vì thế, không thể từ chối giải quyết việc của dân chỉ vì lý do chưa có điều luật quy định.

“Ở một khía cạnh khác thì pháp luật dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể theo kịp và dự liệu hết mọi vấn đề, lĩnh vực phát triển của đời sống, xã hội. Sự cho phép phát triển án lệ áp dụng tập quán và nguyên tắc tương tự là một giải pháp bù đắp vào khoản thiếu hụt đó, sau này chúng ta có thể nghiên cứu phát triển án lệ thành luật” - đại biểu phân tích thêm.

Đại biểu Trần Du Lịch-TP. Hồ Chí Mình cho rằng, vấn đề án lệ, tập tục hiện nay chưa quy định nhiều, nhưng chúng ta phải làm quen nó, bởi vì án lệ, tập tục là nguồn gốc của pháp luật, nếu ta từ chối án lệ, tập tục thì luật pháp không phát triển. Do đó, đại biểu ủng hộ hoàn toàn quy định nguyên tắc “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Đại biểu Nguyễn Thái Học-Phú Yên                                                                                                  

Đại biểu Nguyễn Thái Học-Phú Yên đánh giá, quy định này sẽ tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân khi không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc, không biết hỏi ai, không biết kêu ai. Đại biểu cho rằng, Tòa án là biểu tượng của công lý, người dân đến để giải quyết vụ việc, tòa án từ chối vì thiếu luật thì rõ ràng người dân sẽ rất khó tin và cũng không có cơ sở để giải thích. Đại biểu khẳng định, khoản 2, Điều 4 là một quy định rất chặt chẽ về mặt pháp lý bởi “chưa có điều luật áp dụng chứ không phải là chưa có pháp luật”. Như vậy, có thể điều luật thì chưa có nhưng pháp luật để vận dụng giải quyết thì có rất nhiều nguồn. Do đó, quy định như thế này là đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người dân.

Đại biểu Dương Ngọc Ngưu-Điện Biên                                                                                                

Trái với quan điểm trên, đại biểu Dương Ngọc Ngưu-Điện Biên, Phạm Xuân Thường-Thái Bình cho rằng, quy định này là không phù hợp, thiếu tính khả thi vì nếu dựa vào phong tục, tập quán để quyết định thì cùng một vụ việc, các Tòa án khác nhau có cách giải quyết và cho ra các kết quả rất khác nhau. Điều này làm cho hệ thống pháp luật bị chia cắt, thiếu thống nhất.

Các đại biểu phân tích, khi có quy định này thì số vụ việc người dân gửi đến Tòa án sẽ tăng đột biến và rất nhiều trong số đó Tòa án không thể chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Hoặc dù chấp nhận thì cơ quan thi hành án cũng không bao giờ thi hành được. Việc này vô hình trung đã làm mất thời gian, tiền bạc của người dân, Tòa án phải bố trí thêm cán bộ, kinh phí và cơ sở vật chất để giải quyết, xã hội sẽ thiếu ổn định hơn.

Làm rõ hơn về nội dung này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết: đây là vấn đề gắn với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Cơ sở để đặt ra dự thảo này là nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dần, phải bảo vệ tất cả các quyền lợi chính đáng của nhân dân, cái gì mà dân yêu cầu chính đáng thì phải được giải quyết. Nếu chưa có luật thì do lỗi của nhà nước chứ không phải lỗi của người dân.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự, quyền chính trị năm 1966 của Liên Hợp Quốc. Những quyền lợi ích hợp pháp của người dân nếu có bị vi phạm mà luật pháp chưa quy định thì luật pháp phải có biện pháp để khắc phục, phải áp dụng các biện pháp để đảm bảo quyền của người dân. Công ước này bắt buộc tất cả các cơ quan tham gia phải thi hành.

Chánh án Trương Hòa Bình cũng cho biết, hiện nay Bộ luật dân sự của nhiều nước trên thế giới cũng quy định và đây cũng chính là sự tiến bộ trong việc sửa đổi Bộ luật lần này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lường hết các mặt trái khi áp dụng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường                                                                                               

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, qua lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tuyệt đại đa số báo cáo của các bộ, ngành, các đoàn thể ở Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ủng hộ quan điểm, phương án: "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng".

Bộ trưởng khẳng định, điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp, sứ mệnh của tòa án thực hiện quyền tư pháp là chỗ dựa công lý và bảo vệ công lý trong quan hệ dân sự, kinh doanh.

Nguyễn Phương - Hồ Hương