TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO NGƯỜI DÂN HÀ TĨNH VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

31/03/2023

Sáng 31/3, đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Thủy dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022”.

ỦY BAN TƯ PHÁP KHẢO SÁT VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI TẠI ĐỒN BIÊN PHÒNG CỬA KHẨU CẢNG GIANH

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng một số lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp, làm việc với đoàn.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Qua 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành tại Hà Tĩnh quan tâm, tổ chức thực hiện.

Hằng năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan tổ chức các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quan tâm chăm lo đời sống cho người dân để có cuộc sống ổn định, tránh trở thành nạn nhân.

Các thành viên đoàn khảo sát dự buổi làm việc.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý ANTT, phòng ngừa xã hội để phòng, chống mua bán người; thực hiện tốt công tác giải cứu, tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người tại địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về tội phạm mua bán người cùng các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này trong tình hình mới được chú trọng.

Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh tại buổi làm việc.

Công tác hợp tác quốc tế được triển khai thường xuyên, nhất là trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người với lực lượng chức năng của tỉnh Bolikhămxay và tỉnh Khăm Muồn (Lào).

10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; khởi tố, truy tố 4 vụ/9 bị can; xét xử 3 vụ/7 bị cáo; đã giải quyết 4 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người. Trong số các nạn nhân bị mua bán, có 3 người là phụ nữ, 2 người dưới 16 tuổi, 13 nạn nhân nam.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Cao Mạnh Linh: Cần làm rõ nội dung các chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống mua bán người; ứng dụng CNTT trong tuyên truyền pháp luật nói chung, trong phòng, chống mua bán người nói riêng.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã nêu ý kiến về quá trình triển khai việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2022 như: nội dung chương trình phòng, chống mua bán người tại Hà Tĩnh; nguồn kinh phí được bố trí hằng năm cho thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người; tương trợ tư pháp trong phòng, chống mua bán người.

Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về trách nhiệm của Hội LHPN trong việc hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em; đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý trẻ em lang thang cơ nhỡ trên địa bàn.

Vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tham gia tư vấn, giám sát phản biện nhằm phòng, chống mua bán người; công tác thanh, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài; Hội LHPN đã thực hiện chức năng như thế nào để hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em; mô hình quản lý trẻ em lang thang cơ nhỡ trên địa bàn...

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị làm rõ giải pháp xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; việc tiếp nhận, theo dõi thông tin đối với các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật và kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh...

Bí thư Thị ủy Buôn Hồ (Đắk Lắk) Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Cần làm rõ vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tham gia tư vấn, giám sát phản biện nhằm phòng, chống mua bán người.

Trao đổi với đoàn giám sát, đại biểu Hà Tĩnh khẳng định: Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm mua bán người tại Hà Tĩnh được cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt và đồng bộ.

Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh: Công an tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như nhà hàng, khách sạn nhằm phát hiện các tệ nạn xã hội, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em...

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, công tác nắm tình hình tuyến, địa bàn, tình hình hoạt động của các đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân được quan tâm thực hiện...

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng: Sở Tư pháp đã xây dựng tài liệu về phòng, chống mua bán người đăng tải trên các trang thông tin điện tử; tổ chức tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức; thực hiện trợ giúp pháp lý.

Tại buổi làm việc, đại biểu Hà Tĩnh đã thông tin rõ nét hơn về công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mua bán người trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác phòng, chống mua bán người, đồng thời, đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy ghi nhận, thời gian vừa qua, công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn Hà Tĩnh được triển khai chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt, sát thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại buổi làm việc.

Dự báo tình hình mua, bán người còn diễn biến phức tạp, đặc biệt Hà Tĩnh là địa phương có lượng người xuất khẩu lao động khá lớn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội lưu ý, Hà Tĩnh cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, có hình thức phù hợp với từng loại đối tượng, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao, người yếu thế; làm tốt công tác phòng ngừa; quan tâm tới việc hỗ trợ các nạn nhân...

Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của đại biểu để trình cơ quan hữu quan tiếp tục tìm ra phương án tối ưu nhất nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

(Theo Báo điện tử Hà Tĩnh)