Tham vấn chuyên gia về hiệu quả các dự án sự dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014

27/08/2015

Sáng 27/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004-2014.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nêu rõ: thực hiện chương trình công tác năm 2015 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Thường trực Ủy ban đã tổ chức giám sát chuyên đề “Đánh giá chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đối với giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004-2014” nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút, quản lý, sử dụng và hiệu quả của các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thứ của nước ngoài và nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn từ năm 2004-2014; từ đó xác định trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị thụ hưởng chương trình, dự án, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA nói chung và trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng.

Trình bày Báo cáo giám sát về chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA đối với giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004-2014, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Văn Học cho biết, thực hiện kế hoạch giám sát, Đoàn công tác của Ủy ban đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện báo cáo về những nội dung cụ thể theo đề cương giám sát; nghe cáo cáo và thảo luận trực tiếp với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về công tác quản lý vĩ mô đối với các chương trình, dự án ODA; khảo sát và làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân một số tỉnh, một số cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề đại diện cho các vùng miền trong cả nước cũng như tổ chức nghiên cứu các báo cáo, tài liệu có liên quan.

Qua giám sát cho thấy, các dự án ODA cho giáo dục và đào tạo trong thời gian qua đã có vai trò quan trọng và tác động tích cực thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục ở các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các lĩnh vực ngành nghề đào tạo mũi nhọn, cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhất là ở các địa bàn, khu vực đặc biệt khó khăn.

Các dự án ODA cũng góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thông qua việc tư vấn và chuyển giao các mô hình, kinh nghiệm quản lý để vận dụng vào Việt Nam theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, vừa tiếp cận được với các giá trị và xu hướng phát triển tiên tiến của thế giới nhưng vẫn giữ gìn, duy trì được bản sắc dân tộc.

Chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh, nhận thức về đầu tư và phát triển giáo dục của lãnh đạo chính quyền đã có những thay đổi, chuyển biến đáng kể. Các dự án ODA cũng đã có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thu hẹp sự chênh lệch trong phát triển giữa trung tâm đô thị và vùng sâu, vùng xa; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng trong khu vực dự án.

Thảo luận về những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, đa số các đại biểu cho rằng Chính phủ và nhà tài trợ cần phối hợp ban hành các quy trình, thủ tục pháp lý nhằm hài hòa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục trong phê duyệt, điều chỉnh hay trong toàn bộ quá trình triển khai dự án, đặc biệt là những chậm trễ, vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, xây dựng cơ bản, giải ngân… Các đại biểu cũng kiến nghị cần có nhiều hơn nữa những thông tin, chia sẻ tổng thể, chi tiết về quy định, quy trình, những thay đổi trong lập kế hoạch, quản lý, tổ chức triển khai, thực hiện dự án từ các nhà tài trợ để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu của Dự án.

Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát và đánh giá ODA cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề nghị phải đẩy mạnh hơn nữa nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát và đánh giá ODA và vốn vay ưu đãi ở các cấp. Tổ chức thực hiện việc thanh tra, giám sát dự án một cách thường xuyên, định kỳ nhằm ngăn ngừa, phát hiện và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai sót; nhanh chóng giải quyết những vướng mắc phát sinh để bảo đảm hiệu quả dự án, tạo lòng tin đối với các nhà tài trợ.

An Vy