THẨM TRA DỰ ÁN NGHỊ ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TRIỂN LÃM

15/11/2018

Chiều ngày 14/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 8 về thẩm tra Dự án Nghị định về hoạt động triển lãm. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng không thể thiếu để tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các nội dung chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với các Bộ, ban ngành tỉnh, thành phố, việc tổ chức triển lãm vừa là một kênh hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến, phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa là một hình thức để quảng bá, giới thiệu thông tin, hình ảnh, tư liệu chuyên ngành và địa phương. Đối với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, triển lãm cũng là một hình thức được tổ chức thường xuyên nhằm công bố, phổ biến, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, sản phẩm, thông qua đó tạo sự liên kết, hình thành và định hướng tư tưởng, nội dung, thẩm mỹ, văn hóa đối với công chúng.

Hiện nay, hoạt động triển lãm diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức triển lãm. Theo thống kê sơ bộ của riêng ngành văn hóa, thể thao và du lịch, năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm, năm 2014 con số này là 589 cuộc và năm 2015 tăng lên là 594 cuộc (số liệu thống kê của 44/63 tỉnh, thành phố). Năm 2016 thống kê 27/63 tỉnh, thành phố đã có 385 cuộc triển lãm. Hoạt động triển lãm đã có những bước phát triển với nhiều nội dung, hình thức mới đa dạng, phong phú, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới cho thấy sự cần thiết phải có những quy định pháp lý để điều chỉnh.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu đồng ý với việc cần thiết có Nghị định về hoạt động triển lãm, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ban soạn thảo cần mạnh dạn phân cấp phân quyền trong cấp phép tổ chức triển lãm; làm rõ quy mô như thế nào được gọi là triển lãm và phải xin phép...

Về tên gọi của Nghị định, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đồng ý với tên gọi của Nghị định là Nghị định về hoạt động triển lãm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tên gọi của Nghị định chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh vì Dự thảo đã loại trừ nhiều triển lãm đã được quy định bởi các văn bản pháp luật hiện hành.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định được chỉnh sửa theo hướng khái quát, chỉ điều chỉnh hoạt động tổ chức, phối hợp tổ chức triển lãm không vì mục đích thương mại, phân biệt với triển lãm thương mại đã được điều chỉnh tại Luật Thương mại và những triển lãm đã được điều chỉnh bởi các văn bản khác, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đối với một số loại hình triển lãm mới phát sinh trong thực tiễn hiện chưa được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh này, ngoài ra, có ý kiến cho rằng nên sử dụng cụm từ “triển lãm phi thương mại” cho phù hợp với Bộ Luật dân sự. Tuy nhiên, để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động triển lãm, Ủy ban cho rằng Nghị định cần phải có một điều quy định việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cấp giấy phép trong trường hợp triển lãm có cả yếu tố thương mại và phi thương mại.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, hiện có không ít triển lãm có sự đan xen giữa yếu tố thương mại và yếu tố phi thương mại. Việc xác định đúng tính chất của triển lãm để áp dụng theo quy định pháp luật là không dễ dàng. Không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xin giấy phép triển lãm của các cơ quan khác nhau để tổ chức triển lãm, làm gia tăng thủ tục hành chính, gây tốn kém về thời gian và chi phí.

Để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động triển lãm, các đjai biểu cho rằng, Nghị định cần phải có một điều quy định việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cấp giấy phép trong trường hợp triển lãm có cả yếu tố thương mại và phi thương mại.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về hoạt động triển lãm, dự thảo Nghị định mới đã bỏ nội dung quy định về chính sách của Nhà nước về hoạt động triển lãm. Các thành viên Ủy ban cho rằng, Ban soạn thảo nên cân nhắc, quy định cụ thể một số chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động triển lãm phát triển, nhất là các triển lãm mang tính chất tuyên truyền, quảng bá.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung nội dung giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 19 ngày 13/12/2017, trong đó nêu những nội dung đã tiếp thu, nội dung giải trình và làm rõ những thay đổi của phạm vi điều chỉnh để tăng tính thuyết phục cũng như thuận lợi cho việc nghiên cứu hồ sơ Nghị định. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động cần nêu rõ các phương án và lý do lựa chọn phương án; bổ sung kinh nghiệm quốc tế về hoạt động triển lãm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, trong điều kiện hoạt động triển lãm còn có nhiều rối ren, Nghị định ra đời sẽ góp phần bổ khuyết hệ thống văn bản được quy định về hoạt động triển lãm, bảo đảm sự trật tự, nề nếp trong hoạt động này. Vài năm nữa, chúng ta hướng tới một Luật Triển lãm tổng thể, còn trước mắt tạm chấp nhận có một Nghị định để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể trong hoạt động triển lãm.

Thu Phương