ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC LÀM VIỆC TẠI THANH HOÁ

20/07/2022

Ngày 18-19/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia làm 2 tổ, làm việc với UBND huyện Bá Thước và UBND huyện Đông Sơn, đồng thời khảo sát tại một số đơn vị, địa điểm về thực hiện chính sách, pháp luật các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Đoàn Giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục làm việc với các Sở, ngành Nghệ An

Đầu tư nguồn lực bảo tồn, phát huy di sản


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Đông Sơn

Theo báo cáo của UBND huyện Đông Sơn, với 33 di tích được xếp hạng trên địa bàn, huyện đã tích cực thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, cụ thể huy động được hơn 12 tỷ đồng vào công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; hàng năm các di tích đều tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, dâng hương, giỗ tổ… thu hút đông đảo bà con tham gia, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Bên cạnh đó, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao kỹ năng phòng, chống cháy nổ, trộm cắp di vật, cổ vật tại di tích.

Từ năm 2002 đến nay, huyện đã triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng 20 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi tại 12 di tích gồm: Đền thờ Nguyễn Chích, lăng mộ Nguyễn Chích, xã Đông Ninh, cụm di tích cách mạng Hàm Hạ, cụm di tích cách mạng Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn, xã Đông Yên, di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, lăng mộ Thiều Thốn, đền thờ Thiều Thốn xã Đông Tiến, đền thờ Nguyễn Văn Nghi, xã Đông Thanh, đền thờ Trịnh Khắc Phục, Nhà lưu niệm đồng chí Lê Thế Long, thị trấn Rừng Thông, đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa, xã Đông Yên, từ đường họ Lê Văn (nơi thờ quận công Lê Đình Chiêu), xã Đông Yên, từ đường họ Nguyễn Đình, xã Đông Hòa, từ đường họ Lê Đình, xã Đông Nam.

Chủ tịch HĐND huyện Đông Sơn Lê Thanh Hải cho biết, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện được triển khai hiệu quả, các di tích được kiểm kê, trùng tu, tôn tạo bảo đảm đủ điều kiện đón khách thăm quan, học tập và thưởng ngoạn. Các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đều chấp hành nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa, góp phần bảo tồn giá trị di sản huyện Đông Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Đông Sơn còn gặp nhiều khó khăn, lượng di sản tương đối lớn, trong khi nguồn kinh phí của huyện không bảo đảm thực hiện. Một số di tích tiêu biểu có thể quy hoạch để phát triển du lịch tâm linh kết hợp tham quan như đền thờ Nguyễn Văn Nghi, di tích lịch sử và thắng cảnh Hoàng Nghiêu... đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần nguồn kinh phí lớn để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo.


Tổ công tác số 1 khảo sát tại điểm Di chỉ khảo cổ Đông Sơn

Vì vậy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Sơn Lê Thanh Hải kiến nghị có thêm cơ chế, chính sách, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện, chuẩn bị các điều kiện hướng đến kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, 90 năm xác định tên gọi văn hóa Đông Sơn vào năm 2024. Đặc biệt, phát huy giá trị các di tích để phát triển du lịch; nhất là cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, di tích Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông đã và đang là địa chỉ đỏ…

Qua khảo sát tại huyện Đông Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nhận xét, Đông Sơn có hệ thống di sản lớn, nằm ngay cạnh TP Thanh Hóa, tạo thương hiệu cho cửa ngõ của tỉnh, thích hợp để kết nối các điểm đến cho đầu tư phát triển du lịch. Chính vì vậy, nguồn lực cho việc bảo vệ, bảo tồn, phát huy các di sản cũng không thể thiếu.

“Trong nghị quyết của Quốc hội có khẳng định ưu tiên nguồn lực đầu tư cho bảo vệ di sản, đặc biệt tại các địa phương còn khó khăn. Đông Sơn đã làm rất tốt việc chống xuống cấp các di sản, thời gian tới địa phương rất cần có các chính sách hỗ trợ để nơi đây làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thực hiện đúng theo chương trình mục tiêu phát triển văn hóa...” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Hỗ trợ phát triển hài hòa các lĩnh vực


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương - Tổ trưởng Tổ công tác số 2 phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Bá Thước

Báo cáo của UBND huyện Bá Thước khẳng định, thời gian qua, huyện đã rất nỗ lực, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc để từng bước phát triển đồng bộ, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế.

Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, chương trình dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, phát huy hiệu quả. Huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc, giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh...


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương - Tổ trưởng Tổ công tác số 2 phát biểu tại cuộc làm việc với Trường PTDTNT THCS Bá Thước

Về lĩnh vực văn hóa, huyện đã đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi 3 di tích là Khu thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, Mái đá Điều, Đền thờ Quận công Hà Công Thái; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; phục dựng 3 lễ hội truyền thống trên địa bàn là Lễ hội Mường Khô xã Điền Trung, Lễ hội Mái Đá Điều xã Hạ Trung, Lễ hội Căm Mương xã Văn Nho; phục dựng các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống... góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. 

Lĩnh vực du lịch có bước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và bảo đảm tự do tín ngưỡng của nhân dân, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở…


Khảo sát mô hình homestay Bocbandi, Pù Luông

UBND huyện Bá Thước đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách cho công tác đào tạo nghề, để nâng cao số lao động được đào tạo hàng năm; tăng cường đầu tư kinh phí cho các trường miền núi để mua sắm thiết bị, xây dựng phòng học, phòng chức năng, đặc biệt là phòng Tin học, Ngoại ngữ. 

Với các bộ, ngành, huyện Bá Thước kiến nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ những người làm công tác văn hóa, thể thao cấp xã, thôn; đầu tư trang thiết bị, bổ sung cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm đáp ứng điều kiện tổ chức, hoạt động phục vụ nhân dân trong tình hình thực tế hiện nay...

Thay mặt tổ công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương ghi nhận Bá Thước có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, phù hợp với đặc thù của địa phương, nhất là giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch… Về các kiến nghị của huyện, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, tổng hợp và chuyển đến các cơ quan theo thẩm quyền.
+ Trước đó, 2 tổ công tác của Đoàn giám sát đã khảo sát một số đơn vị, địa điểm tại các huyện Bá Thước, Thọ Xuân, Thiệu Hóa  và Đông Sơn.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)