NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TẠI ĐÀ NẴNG

16/08/2022

Chiều ngày 15/08 , Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã có buổi giám sát về việc thực hiện chính sách giáo dục về giáo dục đại học tại trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì buổi làm việc.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục làm việc với tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo tại buổi làm việc, Đại học Kinh tế là trường thành viên của Đại học Đà Nẵng và cũng là một trong 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ đại học từ 2017. Trường hiện có 411 cán bộ, viên chức và người lao động, đảm nhận giảng dạy cho trên 12.000 sinh viên, học viên ở 29 chuyên ngành đại học, 6 chuyên ngành thạc sĩ và 4 chuyên ngành tiến sĩ. Bình quân 96% sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng, thu nhập trung bình 8,1triệu đồng/tháng

Tại buổi làm việc, bên cạnh những thuận lợi, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cũng chia sẻ những vướng mắc trong thực hiện tự chủ. Theo đó, hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm tự chủ đại học với tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, bản chất hai kiểu tự chủ này khác nhau. Do đó mới có trường hợp đơn vị này buộc phải nộp hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất cho diện tích khoảng 4,7ha mà trường đang đóng chân. Về tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của các trường tự chủ theo thông tư 14/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cho rằng đây là kiểu “gọt chân cho vừa giày”, bởi đặc thù mỗi trường khác nhau và có những khoản không hợp lý dẫn đến việc các trường phải tự xoay sở để xây dựng cơ chế.

Làm rõ về vấn đề tự chủ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, thực hiện tự chủ theo nguyên lý là giá trị của các trường đại học chứ không phải trao tự chủ cho đại học, bản thân các trường đại học phải được quyền tự chủ này. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng hiện nay còn nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Đặc biệt, nhận thức về tự chủ hiện nay cũng đang còn có vấn đề. Bên cạnh đó, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cũng bày tỏ quan tâm tới việc kiểm định chất lượng giáo dục, chất lượng đầu ra cũng như sự cạnh tranh về nguồn nhân lực và ưu đãi, đãi ngộ cho các giảng viên nhà trường. 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Kinh tế cho biết, giảng viên của trường công lập hiện được trả lương theo hệ số, việc trả thêm thu nhập theo giờ cũng đang vướng quy định “làm thêm không quá 200 giờ”. Vì vậy, tự chủ nhưng lại bị ràng buộc bởi các Thông tư, Nghị định nên không thể tìm được cách tăng thu nhập xứng đáng cho giảng viên. Hiện nay, dù có nhiều cố gắng, bằng nhiều cách, nhà trường cũng chỉ có thể trả lương từ 15-20 triệu đồng/tháng cho giảng viên. Đây là mức thu nhập được đánh giá kém hấp dẫn, không đủ sức giữ chân giảng viên.

Về kiểm định chất lượng giáo dục, nhà trường luôn chú trọng việc tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục cũng như các Chương trình đào tạo, hàng năm đều có các báo cáo tự đánh giá Chương trình đào tạo, xây dựng các kế hoạch khắc phục tồn tại, cải tiến chất lượng các mặt hoạt động của Trường. Năm 2021, nhà trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, tổ chức đánh giá ngoài và đã được công nhận đạt  chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ban hành theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo với kết quả chung đạt mức cao, tất cả 4 lĩnh vực đều đạt trên 4/7. Nhà trường cũng hoàn thành tự đánh giá và đánh giá ngoài thành công 03 chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng Chương trình đào tạo của Mạng lưới chất lượng các trường Đại học Đông Nam Á, nâng số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA của Nhà trường lên 8 Chương trình đào tạo. Trường cũng đã  thành lập Hội đồng tự đánh giá và xây dựng Kế hoạch tự đánh giá cho 6 Chương trình đào tạo dự kiến sẽ đánh giá ngoài trong năm 2023.

Đại học Đà Nẵng cũng được quy hoạch một làng đại học với diện tích hơn 300ha, nhưng một trường đại học thành viên với tuổi đời 47 năm như Đại học Kinh tế thì lại bị đứng ngoài các ưu đãi đầu tư với lý do đơn vị này đang thực hiện tự chủ đại học. Đây cũng là một vướng mắc khác được Đoàn giám sát ghi nhận trong buổi làm việc chiều 15/8...

Mỹ Phượng–Lê Quang