CÁC TỔ HỢP MÔN HỌC LỰA CHỌN CHƯA ĐÁP ỨNG TẤT CẢ NHU CẦU

10/03/2023

Do khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, các tổ hợp môn học lựa chọn của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả học sinh.

KIẾN NGHỊ SỚM BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THI TỐT NGHIỆP THPT THEO CHƯƠNG TRÌNH MỚI

GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ

Chiều 10/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng chủ trì cuộc làm việc

Là một trường chuyên của Hà Nội, với chất lượng đào tạo “rất cao”, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có nhiều thuận lợi trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Đặc biệt là nhà trường có đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn cao, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề nghiệp; học sinh được tuyển chọn kĩ càng” - Thầy Bùi Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường báo cáo.

Cụ thể, đội ngũ giáo viên nhà trường có điều kiện tiếp xúc với nhiều môi trường giáo dục hiện đại, năng động, số đông có khả năng thích ứng tốt với chương trình mới. Giáo viên đã tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và nhà trường về chương trình, sách giáo khoa mới, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Ngoài ra, mỗi giáo viên tham gia giảng dạy chương trình mới cũng có tinh thần chủ động, sáng tạo, tự tìm hiểu, nghiên cứu nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với học sinh, đa phần học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có nhận thức tốt, chủ động trong học tập nên có khả năng tốt trong tiếp nhận chương trình, cách học mới.

Tuy vậy, thầy Bùi Văn Phúc cho biết, “đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có của nhà trường không thể đáp ứng tất cả nhu cầu đa dạng về việc lựa chọn tổ hợp các môn học tự chọn của học sinh”.

Đoàn giám sát thăm Thư viện Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Cơ sở vật chất của nhà trường đã được sự quan tâm đầu tư của Thành phố Hà Nội, tốt hơn so với một số trường công lập trên địa bàn, nhưng vẫn chỉ đáp ứng một phần việc thực hiện chương trình mới, cần bổ sung thiết bị và phương tiện dạy học thực nghiệm như trong các môn tự nhiên, công nghệ… Hạ tầng Tin học của nhà trường “đáng báo động”, cần được đầu tư đồng bộ để đáp ứng yêu cầu dạy chương trình mới.

Việc tổ chức dạy học trên lớp theo phương pháp mới khiến giáo viên băn khoăn trong cách xây dựng ma trận, đề kiểm tra, đánh giá. Đáng chú ý, nhà trường đang không có biên chế giáo viên các bộ môn Nghệ thuật và rất khó khăn trong tuyển thêm giáo viên Tin học.

Những khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ khiến cho các tổ hợp môn học lựa chọn nhà trường đưa ra năm học 2022 - 2023 chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả học sinh.

Học sinh cũng có những bỡ ngỡ nhất định trong việc lựa chọn tổ hợp và băn khoăn, lo lắng về cách thức tuyển sinh sắp tới của các trường Đại học đối với học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì vậy, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Đề án thi Trung học phổ thông Quốc gia theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng trong nước.

Bên cạnh đó, đề nghị Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm cho việc dạy học trực tiếp và trực tuyến tại các lớp. Giao quyền chủ động cho các nhà trường linh hoạt trong việc sử dụng nguồn giáo viên một cách hợp lý, phù hợp với việc lựa chọn môn học của học sinh theo từng năm học. Tài liệu Giáo dục địa phương cần có bản in để giáo viên và học sinh chủ động trong công tác giảng dạy theo kế hoạch.

Đoàn giám sát ấn tượng với truyền thống và thành tích giáo dục của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam những năm qua; tin tưởng nhà trường sẽ thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngay cả trường chuyên như THPT Hà Nội - Amsterdam cũng thiếu giáo viên một số môn vì không tuyển được, Đoàn giám sát cho rằng, cần chủ động và đồng bộ về giáo viên.

“Nhà trường cần chú ý hơn tới việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho học sinh; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp, phát huy tự chủ của giáo viên” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)