PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO - CƠ HỘI ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN THỰC TRẠNG & ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

14/01/2024

Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023” dự kiến sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào ngày 18/1 sắp tới. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây sẽ là cơ hội Quốc hội cùng với ngành văn hóa, các địa phương đánh giá kỹ lưỡng thực trạng xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua, qua đó đề ra các giải pháp tháo gỡ những để các thiết chế này thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO SẼ ĐƯỢC TỔ CHỨC SAU KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5

TS. TRẦN MINH CHÍNH: CẦN PHÁT HUY HIỆU QUẢ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO Ở CƠ SỞ

KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI QUẬN HOÀN KIẾM

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  của Quốc hội

Phóng viên:  Thời gian vừa qua chúng ta đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hoá, thể thao, tuy nhiên các thiết chế này tại một số địa phương chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả, từ quy mô lớn như sân vận động quốc gia Mỹ Đình hay một số bảo tàng tỉnh, thành phố  đến quy mô nhỏ là nhà văn hóa thôn/tổ dân phố… Ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  của Quốc hội: Đây là một thực tế rất đáng buồn. Thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Chúng ta cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thiết chế văn hóa. Một dấu mốc quan trọng là ngày 11/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư, đáp ứng một phần nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động; cơ chế, chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, so với mong đợi của những người yêu văn hóa và mong muốn văn hóa phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tình trạng thiếu thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại nhiều địa phương, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh hoặc đã quá lâu, không đúng quy định về quy mô và chất lượng công trình hoặc xuống cấp trầm trọng; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, trang thiết bị và phương tiện chuyên dùng để tổ chức hoạt động văn hóa còn thiếu và không đồng bộ, đều trong tình trạng hỏng hóc hoặc hết khấu hao.

Tình trạng thiếu thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa

Bên cạnh đó, kinh phí tổ chức hoạt động còn thiếu dẫn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa của các thiết chế văn hóa chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sự phát triển kinh tế - xã hội.  Nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian gặp khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động, do thiếu kinh phí, không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ tác nghiệp văn hóa ở một số địa phương còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương chưa quan tâm phân bổ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Công tác tuyên truyền về vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa chưa được thực hiện thường xuyên. Việc xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức...

Tất cả dẫn đến việc có nhiều ánh mắt nghi ngại khi chúng ta mong muốn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mới như nhà hát, bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, sân vận động... xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh. Đây là một thực tế cần phải thay đổi để văn hóa nói chung, thiết chế văn hóa nói riêng, có thể được vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung của đất nước.

Phóng viên: Dự kiến ngày 18/1 này, sau khi Quốc hội kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023” . Ông có thể chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của Phiên giải trình này của Ủy ban?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  của Quốc hội: Đây là kết quả của việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, và Hội thảo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Quốc hội tổ chức. Chúng ta nhận thấy rằng, để tháo gỡ các điểm nghẽn cho văn hóa nói chung, thiết chế văn hóa nói riêng, chúng ta cần đánh giá một cách kỹ lưỡng thực trạng xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Ở vai trò của Quốc hội, đó là những điểm nghẽn, vấn đề liên quan đến chính sách và pháp luật, mà nếu chúng ta tháo gỡ được, sẽ tạo ra đột phá, động lực mới cho việc đổi mới hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023” sẽ là cơ hội Quốc hội cùng với ngành văn hóa, các địa phương đánh giá kỹ lưỡng thực trạng xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua, qua đó đề ra các giải pháp tháo gỡ những để các thiết chế này thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới

Tôi nhận thấy rằng, hiện nay, đất nước ta đang ở trong một giai đoạn phát triển đặc biệt, ở đó tư duy kinh tế thị trường với các kĩ năng kinh doanh, phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu, hay ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần phải trở thành nhận thức và hành động của những người quản lý và vận hành các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà hát, nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao... Không những thế, bên cạnh những chính sách, luật phát trực tiếp liên quan đến thiết chế văn hóa, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, còn có những chính sách, luật pháp khác, dù không liên quan trực tiếp, thuộc các bộ, ngành khác và các địa phương, nhưng có tác động rất lớn đến thiết chế văn hóa như các quy định về thuế, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, đối tác công tư PPP... Chính vì thế, Phiên giải trình lần này sẽ là cơ hội để ngành văn hóa và các bộ, ngành, các địa phương trình bày, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra giải pháp cho việc xây dựng và vận hành thiết chế văn hóa, trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ có những sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, luật pháp phù hợp với bối cảnh mới.

Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần những cơ chế, giải pháp nào để các công trình thiết chế văn hóa phát huy giá trị đầu tư, duy trì hoạt động hiệu quả phục vụ cho các sự kiện của đất nước và đời sống văn hóa của nhân dân?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  của Quốc hội:  Các thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua việc tạo điều kiện cho sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đến gần với nhân dân, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, từ đó tác động lớn đến đời sống tinh thần, tư tưởng đạo đức, lối sống của người dân. Để các thiết chế văn hóa thực hiện tốt hơn vai trò của mình, bảo đảm cho văn hóa trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội,  tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào mấy giải pháp sau:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong việc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thiết chế văn hóa, ngoài những vai trò quan trọng như trên, còn có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Vì thế, khi tính toán đến lợi ích tổng thể của đất nước, cần phải nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của các thiết chế văn hóa ở đó.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt coi trọng quy hoạch địa điểm và dành quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy hoạch phát triển Khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao khác. Đầu tư phát triển thiết chế văn hoá, thể thao phải đồng bộ cả về cơ sở vật chất, thiết bị hoạt động. Đầu tư không dàn trải, phù hợp với đặc thù vùng, miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá, luyện tập thể dục, thể thao của nhân dân.

Cần chú trọng công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa và quản lý văn hóa; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động văn hóa thể thao cơ sở; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa trong huy động nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao...

Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và xây dựng quỹ để duy trì hoạt động thường xuyên của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.

Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa và quản lý văn hóa. Nhà nước cần căn cứ nhu cầu vào thực tế của địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ văn hóa, thể thao được quy định đối với từng cấp để lập kế hoạch về nguồn nhân lực, từ đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở. Củng cố, xây dựng và nâng cấp hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật, các trường nghiệp vụ thể dục thể thao theo khu vực hoặc ở các tỉnh, thành phố lớn để đào tạo cán bộ văn hóa, thể thao ở trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, sơ cấp.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động văn hóa thể thao cơ sở; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa trong huy động nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; đối với các công trình thể thao do chính quyền địa phương quản lý, cần xây dựng cơ chế phù hợp trong việc khai thác, sử dụng nhằm tận dụng tối đa công năng và hiệu suất để phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của quần chúng nhân dân, trong đó cần xem xét phương án đấu thầu quyền quản lý và khai thác các công trình thể thao do nhà nước đầu tư xây dựng; bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách về lương, chế độ thù lao công tác đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; xây dựng chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo; khuyến khích  các thiết chế văn hóa thực hiện quyền tự chủ, tự trang trải kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp với việc tổ chức các hoạt động dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ.

Thứ năm, nâng cao chất hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa  bằng cách đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao, gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân; đưa các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ vào nề nếp, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa; tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và đưa các hoạt động văn hóa, thể thao về cơ sở. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi như người cao tuổi, trẻ em; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật và có nghề làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hoá, thể thao. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường. Chú trọng phát triển nhiều loại hình hoạt động, học tập phục vụ cộng đồng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương