Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 15/6/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2005. Việc thông qua Luật đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em mà Việt Nam là một trong các quốc gia phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc sớm nhất.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đất nước phát triển và hội nhập, việc thực hiện quyền trẻ em và trao quyền cho trẻ em đã xuất hiện những vấn đề mới. Hệ thống luật pháp về trẻ em của Việt Nam đã và đang bộc lộ những điểm không còn phù hợp với thực tiễn, có những nội dung cần điều chỉnh, cần được sửa đổi, bổ sung để hành lang pháp lý bảo vệ, chăm sóc trẻ em vững vàng hơn, tiên tiến hơn
Tại cuộc họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã nghe đại diện Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Về hoạt động, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến trẻ em, lực lượng Công an nhân dân đã phát hiện 11.182 vụ trẻ em bị xâm phạm, 106.541 trẻ em vi phạm pháp luật, 461 vụ trẻ em bị buôn bán bắt cóc, 2.015 vụ trẻ em bị ngược đãi, bạo lực. Đồng thời, Công an các cấp cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng tại khu biên giới cùng mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người, nhất là trẻ em.
Về công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em, trong 10 năm qua Bộ Tư pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 56.979 vụ việc, phần lớn các vụ việc đều đạt chất lượng cao theo quy định của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng. Từ năm 2005, Bộ Tư pháp cũng đã tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, khai sinh cho trẻ em, giúp nâng cao tỉ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh đúng hạn, đặc biệt là trước độ tuổi đến trường phổ thông.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được nâng lên đáng kể. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực chỉ đạo tuyên truyền, hưởng ứng nhiều cuộc vận động và chiến dịch toàn cầu với các chủ đề: Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em; Trẻ em có quyền được an toàn để phát triển; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên; Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; Phòng chống bạo lực gia đình; Vì đàn em thân yêu…
Phát biểu tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, để việc sửa đổi Luật có kết quả cao, các Bộ, ngành phải nắm rõ vai trò của mình đối với việc thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Báo cáo cần bám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh dàn trải; cần tập trung phân tích những vấn đề đã thực hiện và chưa thực hiện được. Từ đó, phân tích những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Trên cơ sở nhận thức được những hạn chế đó, các Bộ, ngành đưa ra những đề xuất, kiến nghị để sửa đổi Luật.