Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, việc sửa đổi Luật Giáo dục (sửa đổi) cần đặt ra được một hướng phát triển mới và đảm bảo tuân thủ với Hiến Pháp và Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Để chuẩn bị tốt cho việc xây dựng dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình mong muốn trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng, cùng bám sát tiến độ và các nội dung sửa đổi để hoàn thiện dự thảo Luật, góp phần nâng cao chất lượng công dân nuwosc nhà trong tương lai.
Sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Căn cứ Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15/06/2018 của Quốc hội về kỳ họp thứ 5, Quốc khội khóa XIV; ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng, Ban soạn thảo đã tổng hợp những vấn đề lớn về dự án Luật, gồm: 17 vấn đề, trong đó tiếp thu 11 vấn đề, giải trình 05 vấn đề và xin ý kiến 01 vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về Luật Giáo dục (sửa đổi), đại diện Ban soạn thảo- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD & ĐT Lê Thị Kim Dung cho biết, về phạm vi sửa đổi và tên Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục để thể chế hoá định hướng của Đảng về phát triển giáo dục; cụ thể hoá Hiến pháp 2013 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân và vai trò của giáo dục trong phát triển đất nước; đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Các đại biểu đề nghị đổi tên Luật thành Luật Giáo dục (sửa đổi).
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát tổng thể Luật Giáo dục, nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, đổi tên Luật thành Luật Giáo dục (sửa đổi).
Theo đề cương, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ có bố cục gồm 10 Chương và 118 Điều. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tập trung quy định theo nhóm vấn đề, không để tản mạn ở các điều, khoản tại các chương, mục khác nhau.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát toàn diện các điều, khoản của Luật Giáo dục hiện hành, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trên tinh thần kế thừa cấu trúc cơ bản của Luật Giáo dục hiện hành, tránh sự xáo trộn không cần thiết, trong đó chuyển một số điều khoản ở chương quy định chung xuống chương quy định cụ thể: Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 17; bổ sung một số điều và sắp xếp lại một số mục; nâng mục 2 quy định đầu tư cho giáo dục thành một chương riêng.
Bổ sung nhiều nội dung mới
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi một số vấn đề cốt lõi bao gồm: hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhà giáo, loại hình nhà trường và đầu tư cho giáo dục, chính sách tài chính.
Các đại biểu tại phiên họp
Trong quá trình soạn thảo, rà soát, Ban soạn thảo đã tổ chức đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng những quy định trong các văn bản dưới luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, thực hiện ổn định lên thành quy định của luật; giảm tối đa các văn bản hướng dẫn luật. Đặc biệt, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung: nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở trường công lập. Đại diện Ban soạn thảo cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với hai chính sách này và báo cáo, xin ý kiến Chính phủ.
Quy định chung các cấp học và trình độ đào tạo
Liên quan đến vị trí của Luật Giáo dục(sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tán thành quan điểm Dự thảo Luật quy định những vấn đề cơ bản, cốt lõi của giáo dục, từ đó định hướng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật cũng như định hướng việc xây dựng các Luật chuyên ngành. Đối với các lĩnh vực, đối tượng chưa có Luật điều chỉnh chi tiết, cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi. Về lâu dài cần xây dựng Bộ luật Giáo dục để điều chỉnh thống nhất các lĩnh vực của giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xây dựng Dự thảo Luật theo hướng luật khung, quy định chung các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể; đối với giáo dục nghề nghiệp chỉ xác định giáo dục nghề nghiệp là trình độ đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các quy định cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp; đối với giáo dục đại học sẽ quy định về mục tiêu, nguyên tắc chung, các quy định cụ thể sẽ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến giáo dục đại học sẽ được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo
Đối với nội dung về hệ thống giáo dục quốc dân, các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tính hệ thống, trong đó các thành phần được sắp xếp trật tự, gắn kết hữu cơ với nhau; lưu ý tên gọi, khái niệm và đặc điểm của các thành phần; quy định rõ hơn về giáo dục mở, liên thông, phân luồng và bổ sung những chính sách, cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông; bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện và công nhận các hình thức giáo dục khác nhau.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã sửa đổi quy định về giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung một mục nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm rõ hơn về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, phân luồng. Bổ sung giải thích các từ ngữ như “tín chỉ”, “modun”, “niên chế”, “phân luồng”.., giải thích rõ hơn thuật ngữ “giáo dục thường xuyên”, “giáo dục chính quy”, tham khảo định nghĩa về học tập suốt đời của UNESCO; bổ sung khái niệm về “khung trình độ quốc gia Việt Nam” trên cơ sở nâng quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ Quốc gia Việt Nam và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.
Tại phiên họp, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận về các nội dung cụ thể liên quan đến các tiêu chí chuẩn về nhà trường, chuẩn về lớp học, trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục…/.