ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG TỔ CHỨC THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

18/06/2021

Sáng ngày 18/6, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Trước đó, ngày 09/6 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức cuộc tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì.

Tham dự tọa đàm hôm nay có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại diện Ủy ban Pháp luật và các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh.

Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 Chương, 50 Điều kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 25 điều, quy định mới 25 điều so với Luật Điện ảnh hiện tại; bảo đảm thực hiện 4 chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật.

Cụ thể, Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 10); Chương II: Sản xuất phim (từ Điều 11 đến Điều 13); Chương III: Phát hành phim (từ Điều 14 đến Điều 16); Chương IV: Phổ biến phim (từ Điều 17 đến Điều 31); Chương V: Lưu chiểu, lưu trữ phim (từ Điều 32 đến Điều 35); Chương VI: Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (từ Điều 36 đến Điều 45); Chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh (từ điều 46 đến Điều 48); Chương VIII: Điều khoản thi hành (từ Điều 49 đến Điều 50).

Nội dung Luật Điện ảnh (sửa đổi) tập trung vào 04 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua (Chính sách 1: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Chính sách 2: Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Chính sách 3: Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Chính sách 4: Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật).

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Qua thảo luận, các chuyên gia đều đánh giá dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã có sự thay đổi rất tích cực, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia; hồ sơ dự thảo Luật đảm bảo đúng tiến độ, bám sát Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu cho rằng, trong 2-3 năm trờ lại đây, thị hiếu người xem phim ở nước ta đang thay đổi cực kỳ nhanh. Các bộ phim chiếu trên nền tảng công nghệ cũ đã không còn tiềm năng, Youtube, các kênh phim trực tuyến trên môi trường mạng đang thay thế ti vi với các nội dung hấp dẫn hơn, đa dạng hơn. Do vậy, khi xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần đặt trong bối cảnh này thì nền điện ảnh Việt Nam mới có thể bắt kịp với xu thế chung.

Theo nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát, cốt lõi của văn học nghệ thuật là những giá trị nhân văn. Do vậy, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này chỉ cần mở hướng cho các nội dung phim mang giá trị nhân văn thì sẽ chạm được đến thành công, chạm được đến quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, việc đựa ra những quy định ban đầu về xây dựng các quỹ cho điện ảnh trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp theo hướng xã hội hóa là rất hợp lý, phù hợp. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố chung.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn những chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất phim thông qua các quỹ làm phim, quỹ đầu tư điện ảnh, phát triền nguồn lực… để nguồn lực tài chính, con người chảy về cho điện ảnh một cách lành mạnh, thúc đẩy nền điện ảnh ngày một phát triển.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cũng cần quan tâm đến việc tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái làm phim như phim trường, các dịch vụ trong lĩnh vực làm phim… Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng xây dựng các phim trường thành các điểm du lịch hút khách, phát triển mạnh mẽ về nguồn thu.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này của chúng ta cần học hỏi hành lang pháp lý về điện ảnh của các nước đi trước, phát triển mạnh trong lĩnh vực này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…Đồng thời, gia cố, cụ thể thêm các quy định liên quan đến nghĩa vụ điện ảnh; các quy định về chính sách phát triển nguồn lực con người, tài chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa tại tọa đàm

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng để nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng, nhẹ nhàng  hơn về các nội dung liên quan đến kiểm định phim, thủ tục trình tự, tiêu chí, điều kiện để cấp phép, điều kiện từ chối cấp phép… để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim, bớt tâm lý e dè.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại tọa đàm; cho rằng các đại biểu đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ tài liệu dự thảo luật và đưa ra những góp ý rất xác đáng. Theo Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa, các ý kiến thảo luận tại tọa đàm hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong thời gian tới./.

Thu Phương