TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

18/02/2022

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới, sáng ngày 18/02, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị.

 

Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Tạ Quang Đông; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các cơ quan, hữu quan... cùng đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Mục đích của việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo khung pháp lý mới để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh; khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động điện ảnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ và hội nhập quốc tế. Tại Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngay sau Kỳ họp Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Thường trực Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật; đồng thời lấy ý kiến một số Bộ, ngành và chuyên gia để có thêm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đến nay, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung như: bổ sung một số chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực của Nhà nước, của toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh; làm rõ chính sách về phát triển nguồn nhân lực; bổ sung các chính sách thu hút đầu tư và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động điện ảnh Việt Nam; cụ thể hóa quy định về phổ biến phim trên các nền tảng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được chỉnh lý thận trọng, kỹ lưỡng nhưng rất cần tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và tâm huyết trong hoạt động điện ảnh để hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để hoạt động điện ảnh Việt Nam phát triển. Với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như tính khả thi của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội vào hôm nay (18/02) và dự kiến tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/02, nhằm tham vấn các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban ngành, các cơ sở điện ảnh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Qua thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, về cơ bản dự thảo luật đã có sự đồng thuận, nhất trí giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật. Dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, khuyến nghị của các đại biểu, chuyên gia, cũng như các kinh nghiệm điện ảnh quốc tế và có nhiều tiến bộ so với phiên bản trước.

Theo đại biểu Trần Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được tiếp thu tới lần thứ 10, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, thuyết phục và có chất lượng tốt, nội dung bao quát được nhiều vấn đề, cơ bản giải quyết những vấn đề bất cập, không khả thi hoặc khả thi không cao đã đặt ra trong thực tiễn hoạt động và thực thi các quy định pháp luật hiện hành về điện ảnh và những lĩnh vực liên quan.

Bên cạnh đó, Dự thảo lần này đã quy định rất cụ thể ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; nội dung sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước đã lựa chọn phương án và diễn đạt thuyết phục; quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ sở điện ảnh phát hành, phổ biến phim….

Các đại biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, ở một số quốc gia, điện ảnh đã trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, không chỉ góp phần quảng bá đất nước, con người qua các tác phẩm điện ảnh được công chiếu rộng rãi trên thị trường quốc tế, mà qua đó còn giúp phát triển nhiều ngành khác như du lịch, thời trang, mỹ phẩm... Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của chúng ta lần này cũng cần có những chính sách để ngành điện ảnh liên kết các ngành công nghiệp khác, khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia sản xuất phim thực hiện được mục tiêu liên kết phát triển, để phát huy thế mạnh của điện ảnh.

Liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc bảo hộ quyền tác giả đối với các nhà làm phim Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý; tình trạng các phim bị quay lậu tại các rạp chiếu phim và phổ biến phim trên không gian mạng diễn ra tương đối nhiều mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả; các chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ tính răn đe và mặc dù có quy định về trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm quyền tác giả, có rất ít trường hợp, phải chịu trách nhiệm hình sự đối với đối với người xem phổ biến phim ra ngoài khi chưa có sự đồng ý của tác giả và đơn vị phổ biến, phát hành phim. Do vậy, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có quy định về trách nhiệm của rạp chiếu phim về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim.

Về lưu chiểu, lưu trữ phim, các đại biểu cũng đề nghị giữ nguyên quy định yêu cầu lưu trữ bản phim không khóa mã, kịch bản và tài liệu kèm theo đối với phim Việt Nam sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật có quy định ưu tiên phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; tăng cường hậu kiểm đối với phim phát hành trên không gian mạng; tăng cường trách nhiệm của cả người xem, các tổ chức phát hành phim, nhà quản lý trong lĩnh vực điện ảnh; huy động nguồn tài chính sản xuất phim; quan tâm đến kinh phí đầu tư cho thể loại phim về biển, đảo; rà soát thêm về kỹ thuật lập pháp… Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc có nên quy định cụ thể Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo luật lần này hay không.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và tích cực, Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã thành công tốt đẹp. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị hôm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để chỉnh lý dự thảo Luật, làm cơ sở để xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 3, và trình Quốc hội thông qua tai Kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2022 tới./.

Thu Phương

Các bài viết khác