ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI CÁC CƠ QUAN CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ LẬP PHÁP

14/02/2023

Chiều ngày 14/02, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chuẩn bị triển khai, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo định hướng Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và các kiến nghị tại Hội thảo Văn hóa 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cùng các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về “các nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách và đảm bảo nguồn lực cho phát triển văn hóa” tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chương trình công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong năm 2023, để chuẩn bị Chương trình Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2023 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng kết, rà soát các nội dung của Hội thảo Văn hóa 2022, qua đó đánh giá khái quát hệ thống pháp luật về văn hóa hiện nay. Chỉ ra được những gì đã làm tốt, những gì còn hạn chế ở góc độ lập pháp để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Pháp luật hoàn thiện báo cáo tổng kết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, để xây dựng định hướng cho Ngành trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng và ban hành Quyết định phê duyệt 02 Đề án: Đế án hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2017 – 2021; Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2021 – 2026. Hiện nay Bộ đang xây dựng Đề án giai đoạn 2026 – 2030.

Việc xây dựng các đề án này giúp việc nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được từ sớm, từ xa, định hướng việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo khoa học và đáp ứng yêu cẩu của thực tế.

Lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch hiện nay đang có 8 Luật 50 Nghị định, 35 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 250 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, lĩnh vực văn hóa, công tác gia đình có 06 luật (Điện ảnh, Quảng cáo, Thư viện, DSVH, Sở hữu trí tuệ, Phòng, chống bạo lực gia đình); 34 Nghị định, 15 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 110 Thông tư liên tịch và Thông tư.

Trong các lĩnh vực chuyên môn về văn hóa, gia đình, hiện mới có 05 lĩnh vực, 01 hoạt động có Luật điều chỉnh gồm: Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa; Luật Quảng cáo; Luật Thư viện; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật phòng, chống bạo lực gia đình (Luật này chỉ điều chỉnh 1 nhánh của công tác gia đình); 04 lĩnh vực chuyên môn còn lại được điều chỉnh bằng Nghị định gồm nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc và tuyên truyền cổ động; văn học chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp.

Về dự kiến kế hoạch lập pháp giai đoạn 2021 – 2026, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 6 luật. Đến nay 03 luật đã hoàn thành năm 2022; 03 luật đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, rà soát, trong đó 2/3 luật dự kiến sẽ sửa đổi, 01/3 luật chưa đưa vào chương trình.

Về tiến độ xây dựng chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030, ngày 14/11/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình số 337/TTr-BVHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ. Nội dung của chương trình tập trung nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình; bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân….

Các đại biểu tại buổi làm việc

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, các nội dung Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khái quát đúng trọng tâm. Hầu hết các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo Văn hóa 2022 đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Một số lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội đề xuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có ý kiến trả lời rõ ràng trong Báo cáo này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn Quốc và Hội thảo Văn hóa 2022, có rất nhiều ý kiến góp ý và tham luận đề cập đến vấn đề thể chế. Ủy ban Pháp luật được giao phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chuẩn bị Báo cáo chung về nội dung này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật về lĩnh vực văn hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần nêu rõ giới hạn đến đâu, trong đó nêu tổng quan theo số lượng, lĩnh vực, đánh giá khái quát pháp luật trong từng lĩnh vực của văn hóa: nhóm văn bản mới ban hành; nhóm luật đã được đề xuất trong Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhóm luật cần rà soát, bổ sung, nhóm văn bản dưới luật; nhóm chưa có luật; nhóm về quy tắc ứng xử… Báo cáo cũng cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị, đề xuất xử lý. Nếu đề xuất phải có tiến độ cụ thể.

Các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật theo từng giai đoạn, tuy nhiên cuối năm 2021 và năm 2022 qua các Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội thảo nguồn lực cho phát triển văn hóa đặt ra nhiệm vụ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số chính sách pháp luật. Mặt khác, năm 2023, 2024 Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, 25 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, khả năng có thể phải tiếp tục thể chế hóa một số chủ trương, chính sách về Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, để tiếp tục định hướng và triển khai các nhiệm vụ lập pháp từ nay đến năm 2026, các Ủy ban của Quốc hội cần thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nhiệm vụ lập pháp thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất thực hiện theo Kế hoạch số 81/KH-TVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 6 luật) để đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tổng kết các văn kiện của Đảng và sơ kết, tổng kết thi hành các luật chuyên ngành năm 2023, 2024 và thực tiễn phát sinh, đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội rà soát, nghiên cúu đề xuất xây dựng pháp luật về Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025, 2026.

Các đại biểu cho rằng, các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa đã được quy định khá rõ trong các luật và văn bản dưới luật. Triển khai thực hiện các quy định này, thời gian qua Nhà nước đã có những chương trình, dự án cụ thể để đầu tư phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, rất cần một Chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa trong thời gian tới “Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”, các Ủy ban của Quốc hội cũng cần thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đề xuất này.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu đầy đủ và bổ sung, hoàn thiện lại Báo cáo về các nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm căn cứ cùng Ủy ban Pháp luật để xây dựng Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, các nội dung Báo cáo của Bộ VHTTDL đã khái quát đúng trọng tâm

Hầu hết các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo Văn hóa 2022 đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, mặc dù Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật theo từng giai đoạn, tuy nhiên cuối năm 2021 và năm 2022 qua các Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội thảo nguồn lực cho phát triển văn hóa đặt ra nhiệm vụ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số chính sách pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn Quốc và Hội thảo Văn hóa 2022, có rất nhiều ý kiến góp ý và tham luận đề cập đến vấn đề thể chế

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Bộ VHTTDL tiếp thu đầy đủ và bổ sung, hoàn thiện lại Báo cáo về các nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm căn cứ cùng Ủy ban Pháp luật để xây dựng Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thu Phương - Minh Thành

Các bài viết khác