Phải làm cho dân tin vào 4 chữ đổi mới giáo dục

26/10/2014

Theo PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN và NĐ TRỊNH NGỌC THẠCH, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trình QH tại Kỳ họp này đã làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề quan trọng như: mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các điều kiện bảo đảm thực hiện... Tuy nhiên, điều quan trọng là cách thức thực hiện các nhiệm vụ, nội dung cụ thể của Đề án như thế nào. Cần rút kinh nghiệm triệt để từ những cải cách mang tính chất xử lý tình thế của ngành giáo dục khiến dư luận xã hội hoang mang như thời gian qua. Đổi mới giáo dục phải thận trọng, bài bản.

Và, với Tòa soạn ĐBND thì cần phải làm cho nhân dân tin vào 4 chữ mới giáo dục, làm cho dân hiểu hơn đổi mới chương trình, khác với đổi mới sách giáo khoa. Dù ngay cả bài này, điều này cũng chưa rõ ràng.

- Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Chính phủ trình QH tại Kỳ họp này?

Trước khi trình QH tại Kỳ họp này, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến hai lần. Lần đầu tiên, Đề án đã không thuyết phục được UBTVQH do thiếu sự tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp thứ Ba mươi hai, Đề án trình QH lần này đã được chuẩn bị khá công phu. Tôi cho rằng, Đề án lần này đã làm sáng tỏ hơn các vấn đề rất quan trọng để bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án như: mục đích, yêu cầu và nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; điều kiện bảo đảm thực hiện Đề án.

Mục tiêu của Đề án là rất lớn. Vấn đề được ĐBQH quan tâm hiện nay là cách thức thực hiện Đề án như thế nào. Lần này, Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra lộ trình thực hiện Đề án và cũng đã nêu khá cụ thể nhiệm vụ của từng giai đoạn. Theo đó, từ năm 2015 đến giữa năm 2017: chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới. Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kỹ thuật tổ chức tập huấn qua internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Từ tháng 7.2017 – tháng 6.2018, xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức biên soạn. Từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới. Với lộ trình như vậy và các cơ quan hữu quan nghiêm túc, trách nhiệm thực hiện đúng các yêu cầu đề ra thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu của Đề án. Tuy nhiên, đổi mới giáo dục phổ thông còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Vì thế, song song với việc thực hiện Đề án, cần triển khai sớm công tác chuẩn bị, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Đây là nhiệm vụ mất nhiều thời gian nhất vì chúng ta sẽ phải đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ đã có, những người chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn theo yêu cầu của chương trình mới. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực hiện chương trình mới.

- Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực giáo dục phổ thông, theo Phó chủ nhiệm, Đề án này sẽ có tác động như thế nào đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục phổ thông?

- Chương trình giáo dục phổ thông ở nước nước ta hiện nay nhìn chung tốt hơn so với các chương trình giáo dục của các bậc tiểu học, đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục phổ thông cũng đã tương đối bảo đảm. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trong tình hình mới thì phải đổi mới giáo dục phổ thông. Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện nay đã được sử dụng 14 năm. Trong khoảng thời gian đó, tri thức của nhân loại và xã hội đã thay đổi mạnh mẽ, rất nhiều kiến thức mới cần được cập nhật. Bên cạnh đó, cách đào tạo giáo dục phổ thông theo chương trình hiện nay còn hơi cứng nhắc, lượng kiến thức lớn và mang nặng tính hàn lâm. Chúng tôi vẫn hay nói nôm na là, với chương trình như hiện nay, khi dạy môn văn là chúng ta muốn biến học sinh thành nhà văn hoặc nhà phê bình văn học; còn khi dạy môn toán là chúng ta muốn biến học sinh thành nhà toán học. Điều này đã khiến cho học sinh bị quá tải, sức ép học hành, thi cử đối với các em rất lớn. 

Trước yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trước mắt giáo dục phổ thông cần đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tiếp đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường, cơ sở vật chất, cách thức thi kiểm tra, đánh giá. Với Đề án lần này, chúng ta quan niệm, giáo dục trung học phổ thông 3 năm là giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở 9 năm là giáo dục cơ bản. Ở bậc trung học phổ thông, học sinh sẽ được trang bị kiến thức để có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng; tiếp tục phân luồng ở trung học phổ thông, nhằm giảm tải cho giáo dục đại học. Đề án lần này cũng chủ trương chuyển nền giáo dục từ nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh, đánh giá trung thực năng lực của học sinh trong các kỳ kiểm tra, thi cử. Tôi cho rằng, nếu thực hiện được đúng các mục tiêu này thì Đề án sẽ đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

- Ngay khi Chính phủ trình QH Đề án này tại Phiên khai mạc Kỳ họp, đã có nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Quan điểm của Phó chủ nhiệm về chủ trương này như thế nào?

- Chủ trương mới của Đề án là thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, nhưng chương trình này là mềm dẻo, uyển chuyển, có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền; trong đó, chương trình thống nhất là phần cứng để các địa phương giảng dạy như nhau. Đồng thời, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng: Bộ Giáo dục – Đào tạo đứng ra chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn và khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác cũng được tham gia biên soạn sách giáo khoa. Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ là cơ quan đại diện Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm sách giáo khoa trước khi được đưa vào sử dụng đều đã qua sự thẩm định và được Bộ phê duyệt.

Cũng có ý kiến cho rằng, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa nhưng vẫn có một bộ sách giáo khoa chuẩn do Bộ Giáo dục – Đào tạo biên soạn thì các nhà trường, các cơ sở giáo dục có dám sử dụng sách giáo khoa do các chủ thể khác biên soạn hay không? Theo tôi, cũng không nên suy nghĩ như vậy. Việc giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình, sách giáo khoa thực chất là Bộ này sẽ đứng ra tập hợp các nguồn lực để biên soạn để có một bộ sách giáo khoa chuẩn. Ngoài ra, trong trường hợp chúng ta không huy động kịp thời các nguồn lực xã hội tham gia quá trình biên soạn sách giáo khoa, dẫn tới không có sách để sử dụng theo chương trình mới thì vẫn có sách giáo khoa của Bộ Giáo dục – Đào tạo để sử dụng. Hơn nữa, tất cả sách giáo khoa, kể cả sách giáo khoa do Bộ Giáo dục – Đào tạo biên soạn và sách giáo khoa do các chủ thể khác biên soạn, sau khi được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt thì đều bình đẳng và có giá trị như nhau. Các cơ sở giáo dục, nhà trường được quyền chọn sách giáo khoa phù hợp nhất, phụ huynh và học sinh cũng được quyền tham gia chọn sách giáo khoa để giảng dạy cho con em mình. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện được vấn đề này thì phải công khai các tiêu chí, chuẩn mực đánh giá chất lượng sách giáo khoa. Hiện nay, Đề án chưa nêu được các tiêu chí, chuẩn mực này mà mới chỉ nêu là, giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành các quy định về cấu trúc và tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, huy động nguồn lực của Nhà nước để biên soạn sách giáo khoa theo tiêu chí của Bộ...

- Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một trong rất nhiều đề xuất liên quan đến đổi mới giáo dục được đưa ra trong thời gian gần đây. Nhưng có một thực tế là, dư luận xã hội dường như khá e dè khi tiếp nhận các đề xuất này, thưa Phó chủ nhiệm?

- Theo trình tự cải cách căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, lẽ ra chúng ta phải bắt đầu từ việc xây dựng chương trình mới, tiếp đó là, biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, tổ chức thực hiện chương trình mới và tiến tới đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, sau đó mới đến đổi mới phương thức đánh giá chất lượng và thi cử. Nhưng vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo lại chọn đổi mới khâu thi cử để thực hiện trước, trong khi chưa đổi mới chương trình, chưa đổi mới sách giáo khoa hay phương thức dạy và học. Việc Bộ Giáo dục – Đào tạo lựa chọn đổi mới khâu thi cử để làm trước là do cách thức thi cử ở nước ta gây quá nhiều áp lực cho học sinh, nặng nề cho xã hội. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cách làm như vậy là hơi vội vàng và do không có sự chuẩn bị tốt nên khi thực hiện đã khiến dư luận xã hội băn khoăn, có cảm giác, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục luôn muốn thay đổi theo kiểu biến học sinh thành thí nghiệm. Từ những băn khoăn này cũng đã dẫn đến sự hoài nghi đối với các đề xuất đổi mới giáo dục, trong đó có Đề án lần này. Đổi mới giáo dục không thể làm theo kiểu xử lý tình thế. Đổi mới cách thi cử như vừa qua là một kiểu ứng phó tình thế như vậy. Ngành giáo dục cần rút kinh nghiệm triệt để. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách triển khai thực hiện không tốt thì Đề án sẽ khó thuyết phục và khó làm cho người dân tin tưởng vào các đề xuất đổi mới giáo dục đào tạo.

- Với Đề án lần này, Chính phủ cũng đề xuất QH thông qua một nghị quyết mới về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo Phó chủ nhiệm, QH có nên ban hành nghị quyết về vấn đề này không?

- Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về cách thức thực hiện Đề án nhưng tôi cho rằng, QH có đủ cơ sở để xem xét, thông qua một nghị quyết mới về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tại Kỳ họp này, dự thảo Nghị quyết mới của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng đã được trình QH và tới đây, các ĐBQH sẽ thảo luận, quyết định việc có thông qua hay không.

Nếu QH ban hành Nghị quyết mới về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tôi đề nghị, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của Nghị quyết đối với các luật giáo dục, đối với tình hình KT – XH như thế nào. Bởi lẽ, đây sẽ là căn cứ pháp lý rất quan trọng để đổi mới giáo dục phổ thông, từ đó góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

(Theo Đại biểu Nhân dân)