Theo dự thảo Báo cáo Kết quả hoạt động của Ủy ban, năm 2018 Ủy ban chủ trì thẩm tra 03 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao; Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; chuẩn bị thẩm tra dự án Luật Thư viện, Luật Thanh niên (sửa đổi). Trong đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã được thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2018 với số phiếu tán thành đạt 93,84% đồng ý. Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến sẽ trình xin ý kiến lần hai tại Kỳ họp tháng 10/2018. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2018.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban còn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định hoạt động triển lãm; thực hiện các bước thẩm tra, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sớm nhất có thể dự kiến thánh 12/2018.
Để chuẩn bị cho việc thẩm tra Dự án Luật Thư viện dự kiến trình lần đầu tại kỳ họp tháng 5/2019, Thường trực Ủy ban đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghe báo cáo về những nội dung cơ bản tiến độ và kế hoạch sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật; ban hành Nghị quyết thành lập Tổ thẩm tra, Kế hoạch thẩm tra, tổ chức giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Thư viện (tại Tp. HCM, Sóc Trăng, Hà Nội và Thái Bình).
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban và các Ủy viên Ủy ban nghiên cứu tài liệu, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án Luật khác do các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua tại Kỳ họp thứ 5, 6 Quốc hội khóa XIV (Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Dự án Luật Quy hoạch, Dự án Luật An ninh mạng, Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ...
Nhìn chung, trong năm qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thực hiện đầy đủ, hiệu quả kế hoạch công tác và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra cũng như các nội dung khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công. Tập thể Thường trực Ủy ban luôn đoàn kết, tích cực, chủ động, phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ tập thể Ủy ban và Thường trực Ủy ban; tạo mối quan hệ tốt với các ủy viên Ủy ban nói riêng và các đại biểu Quốc hội nói chung; giữ mối liên hệ với các bộ, ngành trung ương, địa phương, các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội. Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban, Vụ chuyên môn đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, phục vụ, từng bước chuyên nghiệp hóa công việc giúp Thường trực Ủy ban điều phối và tổ chức triển khai các hoạt động hiệu quả.
Toàn cảnh phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban cơ bản tán thành và đánh giá cao các nội dung trong Báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban cũng như các hoạt động của Ủy ban trong năm qua. Hoạt động lập pháp của Ủy ban được tiến hành tích cực với quy trình chặt chẽ, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Các báo cáo thẩm tra và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Ủy ban tham mưu, chủ trì soạn thảo đều được chuẩn bị kỹ lưỡng; nội dung toàn diện, sâu sắc, mang tính phản biện cao, được các cơ quan hữu quan đồng tình và dư luận xã hội đánh giá cao. Các ý kiến góp ý, đề xuất của Ủy ban được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm thể chế hóa tối đa, đúng, đầy đủ, kịp thời, các chủ trương, chính sách của Đảng, bám sát yêu cầu của đời sống kinh tế-xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đã được Quốc hội thông qua các dự án luật với số phiếu tán thành cao.
Các hoạt động giám sát, khảo sát và các hoạt động khác được triển khai tích cực, hỗ trợ cho công tác lập pháp của Ủy ban. Thường trực Ủy ban đã chủ động bố trí thời gian, cân đối nguồn lực một cách hợp lý, hạn chế trùng lắp, chồng chéo, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Công tác giám sát của Ủy ban được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát được nâng lên. Nội dung giám sát vừa bám sát chức năng, nhiệm vụ, vừa đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Hình thức giám sát đa dạng, kết hợp giữa tổng thể và chuyên sâu, đã giúp cho việc phân tích, đánh giá các nội dung giám sát được hệ thống và sâu sắc. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban đã có những kiến nghị xác đáng và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc thi hành chính sách, pháp luật về lĩnh vực, nội dung giám sát; đồng thời, cung cấp cơ sở thực tiễn để kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, phục vụ trực tiếp công tác thẩm tra các dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.
Công tác đối ngoại của Ủy ban được tăng cường và thu nhận được nhiều kết quả thiết thực trong việc trao đổi kinh nghiệm, xây dựng, mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế và quảng bá hình ảnh Quốc hội Việt Nam, đất nước Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Các dự án phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNFPA,… tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cơ bản đạt mục tiêu của các bên tham gia.
Công tác dân nguyện được Ủy ban quan tâm thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Bên cạnh việc nhận, phân loại, xử lý và chuyển đơn thư theo thẩm quyền, Ủy ban cũng từng bước đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan thẩm quyền giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của người dân.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm đối với địa phương và đơn vị, đa số các ủy viên Ủy ban đã tích cực tham gia các hoạt động do Uỷ ban tổ chức như: hoạt động giám sát, khảo sát, tham gia hội nghị, hội thảo, cũng như các phiên họp toàn thể của Ủy ban. Qua các hoạt động của Ủy ban, các Ủy viên Uỷ ban đã nâng cao được kiến thức, bổ sung nhiều kinh nghiệm về công tác lập pháp và giám sát, từ đó thực hiện tốt hơn công tác của Ủy ban cũng như trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Ủy ban cũng đã phối hợp có hiệu quả với Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các hoạt động của mình.
Các thành viên Ủy ban thảo luận tại phiên họp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, bất cập như việc cơ quan soạn thảo luật chưa thực hiện đúng tiến độ, thời gian trình hồ sơ dự án luật theo quy định dẫn đến bị động trong công tác thẩm tra của Ủy ban, đây cũng là hạn chế, bất cập đã diễn ra trong nhiều kỳ họp nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục kịp thời. Việc giám sát ban hành văn bản quy phạm hướng dẫn luật chưa được thực hiện thường xuyên. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao do thiếu cơ chế pháp lý, quy định về trách nhiệm của chủ thể chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị, chế tài xử lý…
Trong năm 2019, căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban được phân công chủ trì thẩm tra 03 dự án Luật: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thư viện và Luật Thanh niên (sửa đổi). Thường trực Ủy ban và các ủy viên Ủy ban tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án Luật mà Ủy ban phối hợp thẩm tra hoặc do các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua tại các kỳ họp Quốc hội trong năm 2019...
Ngoài nội dung này, các thành viên Ủy ban cũng đã thảo luận về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát tổng hợp các lĩnh vực Ủy ban phụ trách chủ đề “Duyên hải Trung bộ” tại hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình và dự thảo Báo cáo kKết quả khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giải đoạn 2012 – 2017.
Theo chương trình, chiều ngày 25/9, phiên họp tiếp tục thảo luận về dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học./.