ỦY BAN TÁN THÀNH QUY ĐỊNH RÚT NGẮN THỜI GIAN ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

30/05/2018

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Ủy ban trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thứ XIV vào sáng ngày 30/5, Ủy ban tán thành với quy định rút ngắn thời gian đào tạo đại học và quy định cho phép cơ sở giáo dục tự quyết giá dịch vụ đào tạo với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tán thành quy định rút ngắn thời gian đào tạo

Về đào tạo đại học, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng nhận thấy,dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục được các bất cập hiện nay về tổ chức và quản lý đào tạo.Tuy nhiên, về mở ngành đào tạo, đa số ý kiến tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 33 Dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cứng việc bảo đảm số lượng giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu đối với mở ngành đào tạo; đề nghị quy định rõ hơn về “giảng viên cơ hữu”, “giảng viên thỉnh giảng” và “báo cáo viên”, bảo đảm theo theo thông lệ thế giới.

Toàn cảnh phiên họp

Về thời gian đào tạo, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban tán thành việc rút ngắn thời gian học để thống nhất và tương thích với Khung trình độ Quốc gia song đề nghị giải trình, làm rõ việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo định thời gian đào tạo cụ thể đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học theo từng lĩnh vực, hình thức tổ chức đào tạo, bảo đảm tôn trọng tính tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Liên quan đến nội dung về tổ chức và quản lý đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định cứng trong Luật về đào tạo theo học chế tín chỉ vì phương  thức đào tạo có thể thay đổi theo thời gian. Đồng thời, cân nhắc quy định rõ ràng hơn về trình độ tương đương đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù.

Về liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, có một số ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị xem xét mở rộng quyền tự chủ trong hợp tác quốc tế đối với một số hoạt động như: trao đổi giảng viên hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo…

Cho phép cơ sở giáo dục tự quyết giá dịch vụ đào tạo với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước

Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ chế tài chính giáo dục đại học được thể hiện trong Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Ủy Văn hóa, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra

Tuy nhiên, về giá dịch vụ đào tạo, đa số ý kiến Ủy ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”. Do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sửa đổi nội dung này.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, nhiều ý kiến  thành viên Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện. Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.

Thu Phương- Nhóm ảnh