Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên giải trình có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Uỷ ban VH, GD, TN, TN & NĐ); đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện một số bộ ngành và đại diện các Ủy ban của Quốc hội; các cơ quan đơn vị có liên quan; các thành viên Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật; xin ý kiến đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Tại các phiên họp lần thứ 30 và 31, UBTVQH đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật đã được chỉnh lý; gửi, tiếp thu ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về Dự thảo Luật đã được chỉnh lý.
Về Báo cáo Kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) của Chính phủ, Thường trưc Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ cho rằng, trước yêu cầu về tiến độ và thời gian triển khai lấy ý kiến Nhân dân, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với một số Bộ, ngành, cơ quan hữu quan tổ chức triển khai lấy ý kiến Nhân dân, trong đó có nhiều nhóm đối tượng chịu sự tác động của Luật Giáo dục (sửa đổi). Tuy nhiên, qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ, các thành viên Thường trực Ủy ban nhận thấy các ý kiến góp ý của Nhân dân được tổng hợp trong báo cáo nhìn chung không có ý kiến mới so với nội dung Dự thảo Luật. Đối với các nội dung sửa đổi lớn, các chính sách mới, liên quan đến quyền của đa số các đối tượng chịu sự tác động (đội ngũ nhà giáo, gia đình người học), việc tổng hợp, tiếp thu chủ yếu hướng tới sự đồng thuận với quan điểm trình của Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trình bày Báo cáo
Để Luật Giáo dục (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các đại biểu cho rằng, đối tượng tham gia đóng góp ý kiến cần đa dạng và đại diện cho tất cả các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến chưa thu hút được sự quan tâm của các nhóm đối tượng ngoài ngành giáo dục, nhất là ý kiến của những người sử dụng sản phẩm của giáo dục đào tạo.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá, việc tổng hợp, phân tích ý kiến chưa dựa trên số liệu thống kê (bao nhiêu % ý kiến đồng ý, % không đồng ý), chủ yếu là định tính; thiếu các nhận định ở dạng định lượng để bảo đảm độ tin cậy. Ngoài ra, các ý kiến góp ý khác với quy định Dự thảo Luật như: đề nghị quy định cụ thể về phân luồng, liên thông, khung trình độ quốc gia Việt Nam; không đồng ý nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học; đề nghị bổ sung tỷ lệ % phụ cấp cho nhà giáo; đề nghị bỏ mô hình trường chuyên; không đồng ý mỗi môn học có một số sách giáo khoa; đề nghị xem xét quy định về “sở hữu pháp nhân nhà trường”; đề nghị phân biệt rõ cao đẳng nghề và chuyển trình độ cao đẳng sang giáo dục đại học; quy định giáo dục phổ cập bắt buộc… chưa có giải trình về lý do không tiếp thu. Các ý kiến khác nhau hoặc không đồng tình với quy định của Dự thảo Luật chưa được phân tích, giải trình thỏa đáng, tính thuyết phục chưa cao; đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách nhà giáo, đầu tư tài chính cho giáo dục...
Do vậy, đối với một số vấn đề phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn sâu như quy định về tiền lương nhà giáo, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đầu tư tài chính cho giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục,... các đại biểu cho rằng, cần có hình thức lấy ý kiến phù hợp hơn, có tính chuyên môn cao hơn để bảo đảm tính khoa học và khả thi cho việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định của Luật.
Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ cũng bày tỏ cơ bản tán thành với Chính phủ và nhân dân đối với vấn đề triết lý giáo dục và cho rằng, giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được hình thành và phát triển qua các thời kỳ cách mạng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục, được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp
Triết lý giáo dục là tư tưởng định hướng. Luật là những quy định có tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục. Nghiên cứu Luật Giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Vì vậy, Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ nhất trí với việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định của Luật; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong nhiều quy định khác của dự thảo Luật này.
Quan điểm của UBTVQH cũng đề nghị trong dự thảo Luật này, không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định của Luật. Cụ thể, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng sắp xếp lại kết cấu Chương 1, bổ sung các quy định về mục tiêu (Điều 2), tính chất, nguyên lý (Điều 3) và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam (Điều 4) cùng một số quy định khác của Dự thảo Luật này.
Về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, các thành viên Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ cơ bản nhất trí với việc tiếp thu ý kiến Nhân dân về việc nâng chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng. Đây là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non không chỉ được quyết định bởi trình độ đào tạo, mà còn cần kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm và những phẩm chất khác như sự tâm huyết, lòng yêu nghề, tình yêu thương đối với trẻ. Mặt khác, đây là chính sách tác động tới đông đảo các nhà giáo và các cơ sở giáo dục mầm non. Vì vậy, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuẩn đào tạo của nhà giáo, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi. Các đại biểu đề nghị cần quy định theo hướng mở để tạo sự linh hoạt khi triển khai thực hiện đối với các vị trí việc làm trong các cơ sở mầm non, các nhóm trẻ. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc và lộ trình để việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo trình độ đào tạo được thực hiện một cách hợp lý, không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục; đào tạo bảo đảm chất lượng và yêu cầu nghề nghiệp, tránh hình thức, chạy theo thành tích, văn bằng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các nội dung của dự thảo luật để đảm bảo thống nhất kỹ thuật với Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đảm bảo khả thi khi đưa vào thực tiễn.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu tại phiên họp; cho rằng đây sẽ là những cơ sở hữu ích để Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ tiếp tục hoàn thiện nội dung thẩm tra đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình UBTVQH trong thời gian sắp tới.