PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC

25/07/2021

Chiều ngày 25/7, tại Nhà Quốc hôi, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ Nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng 50 thành viên Ủy ban, chúc mừng đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đã được Quốc hội bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cùng các thành viên Ủy ban vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khóa XV.


Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Mặc dù khối lượng công việc lớn, các lĩnh vực phụ trách rộng nhưng Ủy ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực phụ trách, góp phần vào thành công chung và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV. Thường trực Ủy ban đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan; phát huy được trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tham gia vào công tác chuyên môn của Ủy ban.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là Ủy ban có đông thành viên tham gia nhất, với 50 thành viên. Các thành viên đến từ nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố, trải đều từ Bắc vào Nam; có 3 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Một điểm đáng chú ý, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khóa XV đều có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn dày dặn trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách, có 2 Giáo sư, 6 Phó Giáo sư; 17 đại biểu có học vị Tiến sĩ và 24 Thạc sĩ. Đây là những tiền đề quan trọng để Ủy ban kế thừa, phát huy những thành quả của Ủy ban các khóa đã đạt được, tiếp tục có bước phát triển mới trong nhiệm kỳ khóa XV.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong bối cảnh các cấp, các ngành đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ, nhiều mặt đến kinh tế, xã hội và đời sống của người dân. Khối lượng công việc trong nhiệm kỳ rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Do vậy, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời lưu ý thêm một số vấn đề.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Thứ nhất, Ủy ban tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo; không ngừng tìm tòi, đổi mới phương thức làm việc, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc lý luận, thực tiễn, các quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng và chức năng, nhiệm vụ theo luật định để cụ thể hóa vào Chương trình hành động và Đề án đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban.

Thứ hai, các lĩnh vực, đối tượng của Ủy ban phụ trách rất rộng, đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, người dân: từ giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên, trẻ em. Do đó, đề nghị tập thể Ủy ban và cá nhân mỗi thành viên Ủy ban không ngừng nỗ lực cố gắng, theo sát diễn biến, tình hình thực tiễn và nắm chắc tình hình của từng lĩnh vực phụ trách, kịp thời phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến thẳng thắn, sâu sắc vào các quyết sách của Quốc hội.

Thứ ba, Ủy ban cần có kế hoạch cụ thể, xác định rõ về nội dung, tiến độ, cũng như nhiệm vụ trọng tâm; cần ưu tiên lựa chọn những vấn đề bức xúc Nhân dân quan tâm nhiều. Xác định rõ kết quả thực hiện, sản phẩm rõ ràng; nghiên cứu sâu các vấn đề, có bản lĩnh, chính kiến trong công tác giám sát. Sau các cuộc kiểm tra, giám sát, hội thảo, tọa đàm…rút ra được những gì, đề xuất, kiến nghị những gì, sao cho có căn cứ pháp lý vững chắc, giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực tiễn. Tiến hành rà soát, tổng kết, nghiên cứu, phát hiện các bất cập, chồng chéo tại các quy định của pháp luật thuộc các lĩnh vực phụ trách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Đặc biệt, quan tâm tới các định hướng được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 như: tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ  mới; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch; đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Thứ tư, hoan nghênh Ủy ban đã có sự chủ động, chuẩn bị sớm dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban khóa XV để thảo luận ngay tại phiên họp toàn thể thứ nhất của Ủy ban. Sau hội nghị này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban, đề nghị Thường trực Ủy ban tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để hoàn thiện, thống nhất Quy chế làm việc của Ủy ban với tinh thần là kế thừa nhưng có đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban trong khóa XV.

Thứ năm, trong hoạt động của mình, đề nghị Ủy ban nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có liên quan, tăng cường cơ chế trao đổi, nắm bắt thông tin. Phối hợp chặt chẽ,  hiệu quả với các cơ quan Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân và nhất là với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo công tác thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng và hy vọng rằng, Ủy ban sẽ phát huy năng lực, trình độ, thế mạnh của mỗi người, vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, phát triển để khẳng định vai trò quan trọng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đối với các hoạt động của Quốc hội.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Phiên họp.

Cũng tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề đã cập phương hướng nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2021 của Ủy ban. Theo đó, dự kiến Thường trực Ủy ban mở rộng họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến tháng 8/2021); Thông qua Báo cáo thẩm tra chính thức tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 2 (tháng 9/2021); Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) và dự kiến trình thông qua tại Phiên họp thứ ba Quốc hội Khóa XV.

Đối với các hoạt động lập pháp khác, Thường trực Ủy ban và các ủy viên Ủy ban tham gia cho ý kiến vào các dự án luật mà Ủy ban được phân công phối hợp thẩm tra; tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án Luật do các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra. Ủy ban tổ chức giám sát tổng hợp việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực Ủy ban phụ trách tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang (dự kiến tháng 9/2021).

Đối với giám sát việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học: Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đề cương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành liên quan, các cơ sở giáo dục đại học báo cáo (tập trung vào vấn đề Hội đồng trường).

Đối với giám sát việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng kế hoạch, đề cương đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; các Bộ ngành liên quan, cơ sở giáo dục nghề nghiệp báo cáo về triển khai thực hiện luật Giáo dục nghề nghiệp (tập trung vào vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp).

Thường trực Ủy ban làm việc với các Bộ, ngành liên quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến công tác 2022; việc sử dụng ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước 2022 và dự kiến kế hoạch 5 năm (2021-2026) của các bộ, ngành thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách (tháng 8/2021). Tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất và lần 2 của Ủy ban nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để thảo luận thông qua các báo cáo, chương trình, dự kiến kế hoạch công tác năm 2022 của Ủy ban. Tổ chức Hội thảo Văn hóa - Giáo dục 2021 chủ đề: Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo (11/2021); Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển (dự kiến tháng 12/2021); Xây dựng kế hoạch tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên 2022 (dự kiến tổ chức vào tháng 3/2022).

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục dự kiến còn thực hiện theo dõi và triển khai việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân theo nhiệm vụ được giao; Tham gia đón tiếp, hội đàm các Đoàn quốc tế do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội phân công cùng nhiều hoạt động khác...

Cũng tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục./.

Bích Lan-Minh Thành

Các bài viết khác