Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, phiên họp phải tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu ở Trụ sở Quốc hội, 3 điểm cầu ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và trực tiếp với các đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong năm qua. Mặc dù khối lượng công việc lớn, các lĩnh vực phụ trách rộng, lại phải tổ chức hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Ủy ban đã tổ chức tốt việc chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ; có nhiều nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực phụ trách. Thường trực Ủy ban đã tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, giữ mối liên hệ, có nhiều đổi mới linh hoạt, bám sát thực tiễn trong triển khai nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan; đã phát huy được trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tham gia, đóng góp cho công tác chuyên môn của Ủy ban. Từ nay tới cuối năm, Ủy ban còn một số nhiệm vụ, hoạt động lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban nỗ lực, tập trung triển khai, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ đã đề ra.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp
Trong quá trình thảo luận phương hướng công tác năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tập trung rà soát, đối chiếu với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đoàn Quốc hội, của Tổ đảng ở Thường trực Ủy ban, và các Đề án lớn của Quốc hội (như Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ 2021-2026…) để cụ thể hóa trong kế hoạch công tác năm của Ủy ban. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến còn nhiều phức tạp, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên Ủy ban; tính toán lựa chọn nội dung, cách làm phù hợp, để đạt hiệu quả tối đa trong từng công việc.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều đổi mới, chủ động, sáng tao, hoàn thành tốt Kế hoạch công tác năm 2021
Tại phiên họp, các đại biểu nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022 của Ủy ban.
Về kết quả công tác năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, năm 2021, nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra dân chủ, an toàn và thành công rất tốt đẹp, góp phần củng cố niềm tin, sự đoàn kết trong nhân dân, tạo cơ hội, điều kiện mới cho phát triển đất nước. Đây cũng là năm chuyển giao giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó Ủy ban có sự biến động lớn về nhân sự ở Thường trực Ủy ban.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư với biến thể virus Delta có tốc độ lây lan nhanh và mạnh nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, hoạt động của Quốc hội nói riêng. Trong bối cảnh đó, Ủy ban nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, hoàn thành tốt Kế hoạch công tác năm 2021.
Hoạt động lập pháp của Ủy ban được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, đảm bảo tiến độ, yêu cầu đặt ra. Ủy ban đã chủ động đề xuất nội dung chương trình xây dựng luật của năm 2021 và của nhiệm kỳ 2021-2026; triển khai hoàn thành tốt công tác chủ trì thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV và đóng góp hiệu quả vào công tác phối hợp thẩm tra các dự án Luật do các Ủy ban khác chủ trì.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả công tác năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022
Về xây dựng chương trình luật, pháp lệnh 2021 và định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng nêu rõ, bám sát tinh thần nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII, trên cơ sở Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Thường trực Ủy ban đã chỉ đạo xây dựng, cụ thể hóa thành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng của Ủy ban, trong đó đề cao vai trò, vị trí của hoạt động lập pháp.
Việc triển khai hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất và góp ý thiết thực cho công tác xây dựng thể chế, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong các lĩnh vực Ủy ban được giao phụ trách. Mặc dù hoạt động khảo sát, giám sát của Ủy ban năm 2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm và linh hoạt trong phương thức tổ chức, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên theo quy định pháp luật, trong năm 2021, Thường trực Ủy ban cũng đã chủ động xây dựng Báo cáo tổng hợp thông tin dư luận báo chí, hàng tuần, hàng tháng về các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục - đào tạo, thanh niên và trẻ em nhằm nắm bắt thông tin, đồng thời rà soát, theo dõi và kịp thời có ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về những vấn đề nổi cộm, vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn. Thường trực Ủy ban cũng đã chỉ đạo xây dựng báo cáo chuyên đề đánh giá sâu gửi Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Vụ chuyên môn đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, phục vụ; sáng tạo, linh hoạt trong triển khai công việc, tham mưu cho Thường trực Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ, điều hòa, phối hợp và tổ chức triển khai các hoạt động hiệu quả; từng bước chuẩn hóa các quy trình làm việc, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2021. Thời gian, công sức đầu tư cho nghiên cứu, nắm bắt các vấn đề trong lĩnh vực phụ trách của một số cán bộ, công chức có thời điểm, có lúc, có nơi còn chưa được sâu sắc, đầy đủ; việc cập nhật các hoạt động thực tiễn của lĩnh vực được giao phụ trách đôi khi còn chưa kịp thời, dẫn tới nhiều nội dung tham mưu còn chưa sâu. Việc duy trì mối quan hệ, cơ chế phối hợp công tác giữa Ủy ban với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đôi lúc còn chưa chặt chẽ. Đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Thường trực Ủy ban và của Vụ chuyên môn còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và quyết liệt hơn trong tổ chức triển khai.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2022 trong các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, bảo đảm tính thực tiễn và khả thi
Về dự kiến công tác năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, then chốt trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ của Ủy ban năm 2022 cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các văn bản nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội và của Ủy ban, bảo đảm tính thực tiễn và khả thi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, hậu quả dự đoán còn kéo dài nhiều năm. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế; thực hiện tốt quy trình xây dựng luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát các lĩnh vực phụ trách một cách có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả với chủ đề được lựa chọn có tính thời sự, thiết thực, cụ thể; tập trung vào các nội dung về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển giáo dục toàn diện nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật; phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà quản lý, cơ sở điện ảnh, người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh về các nội dung trong dự thảo Luật; trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Về công tác giám sát, khảo sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục triển khai chủ trương tổ chức hoạt động giám sát tổng hợp theo đặc thù khu vực, địa bàn. Năm 2022, Ủy ban tổ chức giám sát tổng hợp việc thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực Ủy ban phụ trách tại Khu vực Bắc Trung bộ (dự kiến tại 02 tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An) nhằm tìm hiểu thực tế, đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực văn hóa, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo, tín ngưỡng - tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên và trẻ em tại các địa bàn bao gồm cả vùng miền núi, đồng bằng và ven biển.
Về dự kiến tổ chức các giám sát chuyên đề về lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tập trung vào các nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết, thời sự của ngành, bao gồm 05 nội dung. Cụ thể, (1) lĩnh vực Thông tin, truyền thông tập trung giám sát “Việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng”; (2) lĩnh vực Văn hóa tiến hành giám sát “Việc thi hành Luật Di sản Văn hóa”; (3) lĩnh vực Giáo dục phổ thông giám sát “ Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non”; (4) lĩnh vực Giáo dục tiến hành giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; (5) lĩnh vực Trẻ em thực hiện giám sát “Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và bảo đảm quyền vui chơi, giải trí cho trẻ em”.
Tán thành và đánh giá cao Báo cáo Kết quả công tác năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp theo hình thức trực tuyến
Tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo Kết quả công tác năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Góp ý vào Báo cáo, đại biểu Vũ Hải Quân - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc khảo sát chuyên đề năm 2022 về đảm bảo chất lượng giáo dục (tập trung vào lĩnh vực giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) là nội dung rất quan trọng, đề nghị Ủy ban cân nhắc việc khảo sát thực hiện Luật Giáo dục đại học, đặc biệt là vấn đề liên quan đến Hội đồng trường, vai trò của Hội đồng trường cũng như mối quan hệ của Hội đồng trường với các thực thể có liên quan như Đảng ủy, Ban Giám hiệu…
Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và cho rằng lĩnh vực này còn nhiều bất cập trong giai đoạn hiện nay như Luật Giáo dục đại học, đồng thời đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nên đưa giám sát việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 vào chương trình công tác năm 2022.
Cho rằng hiện nay do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên người dân tương tác trên không gian mạng rất nhiều, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị năm 2022 bổ sung giám sát hoặc khảo sát đối với việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm tránh diễn ra những vụ việc phức tạp, nhất là vấn đề an ninh. Đối với giám sát tổng hợp, đại biểu Tô Thị Bích Châu thống nhất với Báo cáo, nhận thấy nên chọn giám sát địa phương ở miền Trung và ở miền Nam để có đánh giá tổng thể, không nên tập trung vào một địa phương. Đối với giám sát chuyên đề, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị tập trung vào mảng giáo dục như giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo việc làm cho thanh niên.
Qua nghiên cứu báo cáo, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng tình với đánh giá của Báo cáo về kết quả công tác năm 2021 và nhận thấy, mặc dù năm 2021, Ủy ban có sự thay đổi về nhân sự cũng như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-10 nhưng Ủy ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Ủy ban đã chủ động, sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt các kế hoạch hoạt động cũng như phương thức hoạt động để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt trong công tác lập pháp, Ủy ban đã nỗ lực, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để lấy ý kiến và hoàn thiện Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2 tới đây. Trong công tác khảo sát, giám sát, đại biểu Nguyễn Văn Huy đánh giá cao việc điều hành của Thường trực Ủy ban. Về dự kiến công tác năm 2022, đại biểu Nguyễn Văn Huy nhận thấy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch công tác của Quốc hội cũng như của Ủy ban để đưa ra chương trình tương đối phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận Phiên họp
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết đa số ý kiến thống nhất với Báo cáo kết quả công tác năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022 của Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu các ý kiến đề nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các thành viên của Ủy ban cần phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Ủy ban cũng sẽ tham gia góp ý các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới các lĩnh vực của Ủy ban phụ trách và có những đề xuất, kiến nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các thành viên Ủy ban nghiên cứu, đóng góp thêm về nội dung này. Ngoài ra, Ủy ban tiếp tục chuẩn bị các nội dung liên quan đến phiên họp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.