Hội nghị Lấy ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non

16/09/2014

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi chủ trì Hội nghị.

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non từng bước được bổ sung, hoàn thiện; ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục mầm non ngày một tăng và đạt 11% trong tổng chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo dục mầm non được tăng cường; hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển nhanh. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh về số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo tăng cao; việc ban hành và thực hiện chế độ, chính sách đối với độ ngũ này đã được quan tâm. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, lớp mầm non tăng lên đáng kể; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ có bước tiến bộ…

Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non còn chậm, tính dự báo chưa cao. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Đầu tư cho giáo dục mầm non còn thiếu tập trung, chi thường xuyên từ ngân sách địa phương còn thiếu nhiều so với yêu cầu. Cùng với đó, mạng lưới trường, lớp mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cở sở vật chất cho giáo dục mầm non còn thiếu, trang thiết bị dạy học còn hạn chế; đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng…

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non. Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị, thời gian tới cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để bổ sung văn bản quy định những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non; nghiên cứu sửa đổi những quy định chưa hợp lý, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thiết thực và khả thi để phát triển đội ngũ giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục mầm non phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong cả nước cũng như từng địa phương. Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, thực hiện đánh giá theo tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non một cách thường xuyên và thực chất. Ngoài ra, cần tập trung chỉ đạo việc đổi mới chương trình, phương pháp chăm sóc giáo dục mầm non, bảo đảm vừa phù hợp với đặc thù cấp học, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam…

(Theo Đại biểu Nhân dân)