Toàn cảnh tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Unicef, đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cùng đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em.
Trao đổi tại tọa đàm, hầu hết các ý kiến đại biểu đều cho rằng, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của Việt Nam, vì trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước. Điều này, đã được quy định rất rõ trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như trong Hiến pháp 1946 (Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam khi mới giành được chính quyền), Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013.
Mặc dù Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em nhằm bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn khi thực hiện các quyền trẻ em, cũng như Việt Nam đã tiếp thu khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với Việt Nam trong năm 2016 nhưng công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Còn không ít các địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chưa theo dõi, nắm bắt tình hình, thu thập số liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương; chưa kịp thời phát hiện, can thiệp các vụ việc vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn.
Đánh giá về việc triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các đại biểu cho rằng, hiện trẻ em vẫn gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng, xâm hại, tội phạm vị thành niên... có chiều hướng gia tăng; Hiện tượng bạo lực trong trường học còn tiếp diễn…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu
Bên cạnh đó, vai trò phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội chưa cao, tiếng nói của các tổ chức này thường không cao trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách liên quan tới trẻ em. Chưa có hệ thống giám hộ chính thức cho trẻ em và thiếu những hướng dẫn cụ thể của Nhà nước trong lĩnh vực này. Các đại biểu cũng cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa tạo ra một nền tảng pháp lý cho việc xây dựng một hệ thống giám sát quyền trẻ em đáp ứng được nhu cầu thực tế; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và một số bộ, ngành chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ. Đặc biệt, việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ của trẻ em.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện nay, Quốc hội Việt Nam chưa có cơ chế giám sát độc lập về quyền trẻ em hoặc cơ quan bảo vệ trẻ em độc lập. Các đại biểu cho rằng, trước những thực trạng tiêu cực về trẻ em có xu hướng gia tăng như hiện nay, Việt Nam còn thiếu một cơ quan, tổ chức đầu mối độc lập để bảo vệ trẻ em toàn diện. Để bảo đảm quyền trẻ em được toàn diện và thực thi có hiệu quả, theo các đại biểu, Quốc hội nên sớm thiết lập cơ chế phối hợp liên Ủy ban, liên cơ quan của Quốc hội để thực hiện tốt trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát và xây dựng pháp luật liên quan đến trẻ em để bảo vệ quyền trẻ em theo luật định. Đây là một cơ chế cần thiết trong giai đoạn đất nước đang trải qua những thay đổi nhanh chóng có tác động trực tiếp đến trẻ em.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, giải quyết các vấn đề về trẻ em không chỉ là trách nhiệm riêng của một ngành, một câp nào. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng là quyền nền tảng, tiên quyết cho sự phát triển của trẻ em. Chính vì vậy, việc bảo đảm quyền của trẻ em được thực hiện là nhiệm vụ quan trọng và cần sự chung sức phối hợp của tất cả các cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội. Trong hoạt động của Quốc hội thì đây là vấn đề chung của tất cả các cơ quan của Quốc hội. Do vậy việc xây dựng một cơ chế liên ngành giữa các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội để giải quyết hiệu quả các vấn đề về trẻ em là rất cần thiết. Nhất là trong bối cảnh tốc độ kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng tạo nên áp lực mới đối với các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em hiện nay.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm
Theo Đề án Xây dựng mô hình cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm, mô hình phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội sẽ hoạt động theo mô hình Tiểu ban với tên gọi "Tiểu ban bảo vệ Quyền trẻ em”. Cơ cấu Tiểu ban gồm có: các đại biểu Quốc hội là đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và một số thành viên khác không phải là đại biểu quốc hội.
Số lượng thành viên dự kiến là 12 người. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng là Trưởng Tiểu ban. Các Phó trưởng Tiểu ban sẽ gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng là Phó Trưởng Tiểu ban thường trực. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp là Phó Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban sẽ có chức năng giúp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh có liên quan đến quyền trẻ em; thảm tra việc đảm bảo quyền trẻ em trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong công tác thẩm tra việc lồng ghép vấn đề quyền trẻ em trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; cũng như trong công tác giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực liên quan đến quyền trẻ em; giám sát việc thi hành chính sách, chương trình chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã thẳng thắn góp ý về các nội dung thể hiện trong đề án. Qua nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện Đề án.
Cảm ơn những đề xuất, góp ý của các đại biểu tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, sau đó cùng Unicef tổng kết và trực tiếp hoàn thiện. Nhấn mạnh trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ còn tổ chức các cuộc tọa đàm về nội dung này và mong muốn sẽ được lĩnh hội thêm các ý kiến, khuyến nghị của các đại biểu, các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em nhiều hơn nữa, đề tiếp tục hoàn chỉnh đề án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.