THAM LUẬN CỦA ĐOÀN INDONESIA TẠI HỘI NGHỊ AIPA-ECC

30/07/2020

Tại Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”(AIPA-ECC), thay mặt Hạ viện Cộng hòa Indonesia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác liên nghị viện của Hạ viện Indonesia, Hạ Nghị sĩ - Tiến sĩ Mardani Ali Sera đã có bài tham luận trao đổi về đào tạo từ xa và bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững tại Indonesia.

Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC)

Liên quan đến các nội dung thảo luận, Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera bắt đầu tham luận của mình bằng vấn đề đào tạo từ xa và đạo tạo trực tuyến là vấn đề thực tiễn đặt ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera cho biết, đại dịch đã làm gián đoạn hệ thống giáo dục của Indonesia. Khoảng 45 triệu học sinh hiện không thể tiếp tục các hoạt động học tập ở trường. Trường học được linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp là đào tạo từ xa. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia cũng mở một công trực tuyến miễn phí và một nền tảng chia sẻ việc học tập nhằm khuyến khích việc trao đổi kiến thức.

Để bảo đảm hỗ trợ về ngân sách, nhiều quy định cấp bộ đã được ban hành cho phép sử dụng Quỹ hỗ trợ hoạt động đào tạo để trợ cấp chi phí kết nối internet cho học sinh và giáo viên. Theo Quy định của Tổng thống Indonesia ban hành năm 2020, ngân sách của Bộ Giáo dục đã được tăng lên 96%, trong đó phần lớn là ngân sách hỗ trợ đào tạo từ xa.

Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera chia sẻ, năm tháng sau khi Chính phủ Indonesia công bố ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên, chúng tôi đã học được nhiều điều. Theo đó, trở ngại chủ yếu chính là sự bất cân đối hạ tầng trong và giữa các đảo. Khoảng cách số làm cho nhiều học sinh gặp khó khăn trong lúc trường học đóng cửa, đặc biệt là học sinh ở các gia đình có thu nhập thấp và vùng nông thôn.

Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera nhấn mạnh, thu hẹp khoảng cách hạ tầng và khoảng cách số là vấn đề đã đặt ra trong nghị sự của AIPA nhiều năm qua. Tại các kỳ Đại hội đồng AIPA trước đây, Indonesia cũng đã đề xuất nghị quyết về hợp tác giải quyết các thách thức liên quan đến cách mạng 4.0. ASEAN phải có được những phương cách sáng tạo hơn để đối phó với những thách thức về hạ tầng hiện nay nhằm bảo đảm kết nối liền mạch, trong đó bao gồm cả những biện pháp sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng trong khu vực. Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) giữ vai trò trung tâm trên cơ sở cam kết “không bỏ lại ai ở phía sau”, và phải trở thành cơ sở cho việc hợp tác ASEAN về phát triển toàn diện trong tương lai.

Về vấn đề di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững, Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera cho biết, Indonesia luôn coi trọng đa dạng văn hóa và trí tuệ cơ sở. Theo luật du lịch ban hành năm 2009, các nội dung này trở thành cốt lõi trong các chính sách của Indonesia nhằm phát triển du lịch bền vững.

Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera cho hay, trên toàn quần đảo hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể UNESCO, 9 khu vực di sản văn hóa và thiên nhiên, và mười lăm khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Phía Indonesia tin rằng việc nhận thức di sản của Indonesia như di sản của thế giới không chỉ mang lại lợi ích cho riêng Indonesia mà cho cả khu vực.

Theo Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera, Indonesia là một trong hai nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương triển khai hệ thống Quan trắc Du lịch Bền vững (STO) cùng với Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc. Hiện nay có khoảng mười tám điểm đến trên toàn cầu có sử dụng mạng lưới quan trắc STO, trong đó có năm điểm ở Indonesia. Quốc gia này cũng đã phối hợp với năm trường đại học danh tiếng và khu vực tư nhân để xây dựng năng lực cho cộng đồng ở địa phương nhằm quản lý tốt du lịch bền vững. Trọng tâm đặt ra là năng lực của các bên liên quan trong việc bảo tồn di sản văn hóa và quản lý chất thải.

Ngoài ra, trong phần phát biểu của mình, nhấn mạnh những nỗ lực huy động nguồn lực quốc gia cho giáo dục, Hạ Nghị sĩ Mardani Ali Sera cho rằng, nhận thức giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi nước và trong việc tạo ra những kết quả thực hiện thành công SDGs. Indonesia dành 20% ngân sách quốc gia cho lĩnh vực này và việc huy động các nguồn lực cho giáo dục đã góp phần tạo ra những tiến bộ đáng kể trong việc phổ cập giáo dục tiêu học. Năm 2018, Indonesia đã đạt tỉ lệ 100% trẻ nhập học. Tuy vậy, vẫn còn chưa đạt được mục tiêu về chất lượng và bình đẳng giáo dục ở bậc trung học. Việc chưa đạt được mục tiêu này là do nguyên nhân liên quan đến quy trình thủ tục, các yêu câu hành chính và kỹ thuật áp dụng với giáo viên. Bên cạnh đó còn có những thách thức liên quan đến hạ tầng dành cho các vùng xa, nông thôn và vùng khó khăn.

Để giải quyết những thách thức đó, Indonesia đang nỗ lực đổi mới hệ thống giáo dục. Theo đó, tập trung cho học sinh hơn là vào hệ thống. Thay vì một kỳ thi đông nhất trên cả nước vào cuối kỳ, học sinh tại đây sẽ có các kỳ kiểm tra năng lực và tố chất để xác định hướng đào tạo trong tương lai. Điều này được thực hiện song song với những nỗ lực trong phạm vi quốc gia để rút ngắn khoảng cách về hạ tầng trên toàn quốc.

Ngoài ra, trong phần phát biểu của mình, thay mặt Hạ viện Cộng hòa Indonesia, Hạ Nghị sĩ - Tiến sĩ Mardani Ali Sera cũng đã gửi lời chúc mừng Quốc hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”./.

Bảo Yến

Các bài viết khác