NHÓM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẺ VIỆT NAM VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP THIẾT THỰC CHO HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

13/09/2023

Ngày mai (14/9), Quốc hội Việt Nam sẽ chính thức đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Hội nghị khẳng định vai trò và tầm quan trọng của các đại biểu Quốc hội trẻ trong quá trình chuyển đổi số, hội nhập và phát triển bền vững. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho biết, kể từ khi được thành lập, hoạt động của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn quan trọng, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.

PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐĂNG CAI HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9 – CƠ HỘI THỂ HIỆN BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM, KHÍCH LỆ HỢP TÁC QUỐC TẾ

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: CHUNG TAY THÚC ĐẨY CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam

Các thành viên là đại biểu đại diện các giới, vùng miền, khu vực, dân tộc từ 45 tuổi trở xuống

Đại biểu Quốc hội trẻ của Quốc hội Việt Nam là các đại biểu Quốc hội từ 45 tuổi trở xuống tính từ thời điểm các đại biểu Quốc hội trúng cử (độ tuổi theo Quy chế hoạt động của Diễn đàn nghị sĩ trẻ Liên minh nghị viện thế giới IPU), do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập.

Về cơ cấu tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho biết, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam gồm: Ban Thường trực Nhóm và các thành viên. Trong đó, Ban Thường trực Nhóm gồm: Chủ tịch Nhóm và các Phó Chủ tịch Nhóm (có 01 Phó Chủ tịch Thường trực). Chủ tịch Nhóm cơ cấu Đại biểu Quốc hội là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Nhóm là các Đại biểu Quốc hội đang công tác tại các Ủy ban của Quốc hội. Khóa XV, Ban Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam có 06 thành viên (01 Chủ  tịch và 05 Phó Chủ tịch).

Các thành viên Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ là những đại biểu đại diện các giới, các vùng miền, khu vực, dân tộc. Hoạt động của Nhóm đã được thực hiện theo Quy chế. Ban Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam hoạt động kiêm nhiệm, mỗi đầu khóa, Ban Thường trực Nhóm dự kiến chương trình công tác toàn quý và hàng năm.

Tạo ra diễn đàn để các đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam nêu rõ, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam được thành lập nhằm tạo ra diễn đàn để các đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về các vấn đề liên quan đến giới trẻ, thanh niên và tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề là mối quan tâm của thanh thiếu niên vào quá trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo…; Phối hợp với các cơ quan hữu quan bồi dưỡng, cung cấp thông tin, kỹ năng cho các đại biểu dân cử trẻ.

Đồng thời, thúc đẩy sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội trẻ trong các hoạt động của Quốc hội; tham gia các hoạt động đối ngoại nhằm trao đổi, chia sẻ với nghị sĩ trẻ các nước trên thế giới và tại các diễn đàn nghị viện đa phương nhằm tăng cường sự hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam và trao đổi với nghị sĩ trẻ các nước về những vấn đề quan tâm chung của giới trẻ/nghị sĩ trẻ toàn cầu và khu vực.

Hoạt động đến nay được 3 khóa

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam được thành lập và hoạt động đến nay được 3 khóa (Khóa XIII, XIV, XV). Cụ thể:  

Năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thành lập Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam lần đầu tiên với 69 đại biểu Quốc hội dưới 45 tuổi, chiếm 13,86% tổng số đại biểu Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X làm Chủ tịch Nhóm;

Năm 2016, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ khóa XIV được thành lập với 131 đại biểu Quốc hội dưới 45 tuổi, chiếm 26,5% tổng số đại biểu Quốc hội; Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XI làm Chủ tịch Nhóm;

Năm 2021, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV được thành lập với 124 đại biểu Quốc hội, chiếm 24,84% tổng số đại biểu Quốc hội. Tại Nghị quyết số 405/NQ-UBTVQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) làm Chủ tịch Nhóm.

Đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội

Kể từ khi được thành lập, hoạt động của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn quan trọng. Trong hoạt động chung của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho biết, thời gian qua, trong các nhiệm kỳ của Quốc hội, số lượng người trẻ tham gia ứng cử và được trở thành đại biểu Quốc hội ngày càng tăng lên. Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng, với tư cách là đại diện cho tiếng nói của cử tri trẻ và giới trẻ vào trong việc thực hiện hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật có liên quan.

Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày14/9-17/9/2023 tại thủ đô Hà Nội, với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã thể hiện được trình độ, bản lĩnh, chính kiến, quan điểm vào những nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; tổ chức các đợt tiếp xúc cử tri trẻ theo ácc chuyên đề như với thanh niên công nhân, thanh niên nông dân, thanh niên khối công chức, viên chức, thanh niên trường học… kịp thời truyền tải, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri trẻ tới nghị trường cũng như tới Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Sự tham gia của các đại biểu Quốc hội trẻ trong hoạt động của Quốc hội đã góp phần tích cực và sinh động vào hoạt động nghị trường và vào tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội Việt Nam, cũng như thành tựu của Quốc hội kể từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay.

Trong hoạt động ngoại giao nghị viện, từ khi được thành lập, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện, đóng góp thiết thực, có ý nghĩa tại các diễn đàn đa phương, song phương, như: Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), các hội nghị toàn cầu nghị sĩ trẻ IPU.

Tiếp sau việc đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2016), tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9/2020, các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã đề xuất sáng kiến về việc hình thành cơ chế Hội nghị thường niên của các Nghị sĩ trẻ Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Sáng kiến này đã được các Nghị viện thành viên AIPA ủng hộ và được ghi nhận là nhân tố mới, ghi dấu ấn lịch sử quan trọng trong hình thành cơ chế hội nghị dành cho các nghị sĩ trẻ.

Trong suốt quá trình hoạt động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho rằng, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã làm việc, gặp gỡ nhiều đối tác quan trọng như: hội đàm với Đoàn Ban Thanh niên Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP), các Đại biểu Quốc hội trẻ của Quốc hội Lào, các nghị sĩ trẻ của Quốc hội Campuchia...cũng như nhiều tổ chức quốc tế có hợp tác với Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước, cũng như giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước, nâng cao vị thế của đất nước và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại các diễn đàn nghị viện đa phương, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đều đề xuất đại biểu tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp cho các hội nghị, diễn đàn; đã tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm về các vấn đề quan tâm của giới trẻ khu vực và toàn cầu như vấn đề: sự tham gia của giới trẻ vào hoạt động nghị viện (Thụy Sĩ, 2014), vấn đề biến đổi khí hậu, hòa bình và thịnh vượng (Nhật Bản, 2015), các mục tiêu phát triển bền vững (Zambia, 2016), Kinh tế và xã hội bao trùm (Canada, 2017), thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai (Azebaijan, 2018), Cách tiếp cận của thanh niên hậu COVID-19 (Ai Cập, 2022)...

Năm 2023, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, dự kiến diễn ra từ 14/9-17/9/2023 tại thủ đô Hà Nội, với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho rằng, việc đăng cai Hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên, và các mối quan tâm chung của giới trẻ toàn cầu hiện nay. Đây cũng là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./.

Bích Ngọc - Thu Phương

Các bài viết khác