ĐOÀN GIÁM SÁT ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI HẢI DƯƠNG

22/03/2018

Đoàn giám sát Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội gồm 2 đoàn công tác vừa làm việc tại tỉnh Hải Dương.

Đồng chí Bùi Sỹ Lợi (giữa), Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội 
kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH GFT Việt Nam (Tứ Kỳ)

Đoàn 1 do đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban dẫn đầu làm việc về chuyên đề "Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017" tại huyện Cẩm Giàng và Công ty TNHH GFT Việt Nam (xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ).

Đoàn 2 do đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu làm việc về việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình và chính sách, pháp luật về dân số tại TP Hải Dương và huyện Nam Sách.

Phát biểu tại các buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng và Công ty TNHH GFT Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị thời gian tới, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương tăng cường phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác xuất khẩu lao động. Tích cực động viên người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn. Cần có chế tài để quản lý hiệu quả lực lượng lao động đi xuất khẩu lao động trên địa bàn. Không để người dân ra nước ngoài làm việc bằng mọi giá, vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và cơ sở cần có biện pháp quản lý tốt người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khuyến khích thu hút lao động có kỹ thuật, chuyên môn cao, hạn chế việc đưa lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc. 

Tại buổi làm việc về việc thực hiện Luật Phòng chống Bạo lực gia đình và chính sách, pháp luật về dân số tại TP Hải Dương và huyện Nam Sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đề nghị thời gian tới hai địa phương tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về phòng chống Bạo lực gia đình  và dân số. Rà soát, phân loại đối tượng có nguy cơ về Bạo lực gia đình , các hành vi về Bạo lực gia đình để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả; có sự chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân bị Bạo lực gia đình  phù hợp. Nhân rộng và duy trì hoạt động các mô hình phòng chống Bạo lực gia đình  một cách hiệu quả. Phát huy vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ và các ngành, đoàn thể trong thực hiện pháp luật về phòng chống Bạo lực gia đình  và thực hiện chính sách, pháp luật về dân số…

Đối với những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đoàn giám sát sẽ tổng hợp để trình Quốc hội trong thời gian tới./.

((Theo báo Hải Dương))