ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG LÀM VIỆC TẠI TRÀ VINH

21/03/2019

Ngày 20/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018 do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh dẫn đầu đã làm việc với UBND các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

 

 

Bà Nguyễn Thúy Anh- Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Cầu Ngang

Huyện Trà Cú có 15 xã, cư dân thuộc 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa. Thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã lên đến 10,34%/tổng số hộ dân; trong đó có 72,72% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng chiếm tới 70% số hộ cận nghèo chung của toàn huyện.

Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc ở huyện Trà Cú

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Nhan RaNi cho biết, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của chính phủ và sự nỗ lực của toàn dân, đến cuối năm 2018, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện dần được hoàn chỉnh, hầu hết các trung tâm xã, đường liên xã, liên ấp được bê tông hóa đạt trên 80%, điện lưới quốc gia đến 100% ấp, khóm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4% năm. Đặc biệt là các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được thực thi nghiêm túc đã giúp các em giảm bớt khó khăn, yên tâm học tập, đồng thời, giúp địa phương có điều kiện phát triển nguồn nhân lực trong hộ nghèo, đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân gây đói nghèo trên địa bàn huyện, Lãnh đạo huyện Trà Cú cho rằng, chủ yếu là do người dân thiếu vốn và đất sản xuất, do ốm đau, thiếu lao động, đông người ăn theo, có lao động nhưng không có việc làm hoặc thiếu việc làm, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu tri thức và ỷ lại. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất cũng chưa chặt chẽ, bền vững; mô hình liên kết 4 nhà còn yếu, sản phẩm đầu ra bấp bênh; liên kết hộ trong một số dự án còn rời rạc, ý thức làm ăn dựa vào tập thể còn kém, mô hình sản xuất tập trung còn ít….

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, đại diện Lãnh đạo huyện Trà Cú kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực thi chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Cầu Ngang đạt bình quân chung 14%, tăng hơn 3,5% so với giai đoạn 2005-2010. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục được đầu tư phát triển, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc được quan tâm xây dựng. Điện lưới quốc gia được phủ hết các xã-thị trấn, nhất là dự án cung cấp điện cho 20.000 hộ Khmer nghèo. Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang Nguyễn Thanh Hùng bày tỏ tâm đắc với chính sách BHYT cho hộ cận nghèo và hộ nghèo, chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, người DTTS ở vùng khó khăn và người mắc bệnh hiểm nghèo.

Các đại biểu Đoàn giám sát trao quà cho các em học sinh nghèo hiếu học huyện Cầu Ngang

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo của địa phương, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Hùng cho rằng: đa số người nghèo hạn chế về trình độ học vấn nên việc tiếp thu, ứng dụng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, hiệu quả chưa cao. Phần lớn hộ nghèo đều không có đất sản xuất, thu nhập của bà con chủ yếu là làm thuê theo mùa vụ nên đời sống chưa ổn định. Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Hùng cũng cho biết, trình độ, năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo còn hạn chế, lại hoạt động kiêm nhiệm nên việc theo dõi, quản lý ở một số xã chưa chặt chẽ, thời gian dành cho công tác giảm nghèo còn ít, chưa đi vào chiều sâu, chưa nắm rõ nguyên nhân, nguyện vọng của đối tượng để có phương án hỗ trợ hợp lý

Phát biểu tại các cuộc làm việc, Phó trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh ghi nhận nỗ lực thực hiện Chương trình thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững của chính quyền và nhân dan huyện Trà Cú, Cầu Ngang. Phó trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo địa phương; đồng thời, đề nghị lãnh đạo hai huyện quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, chú trọng hơn nữa về đánh giá của người dân với công tác giảm nghèo, chú trọng việc đào tạo nghề gắn với việc làm…

+ Tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Đoàn giám sát của QH cũng đã trao tặng 100 phần quà cho các em học sinh nghèo hiếu học.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)