Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Tham dự Phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.
Tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội đưa ra ý kiến thẩm tra Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán năm 2022.
Đối với việc thực hiện các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở kết quả làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm 2021 theo Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội cũng như định hướng triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Ủy ban Xã hội đánh giá cao nỗ lực, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Chính phủ cũng đã ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội như: chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách trợ giúp xã hội... Đặc biệt, đã bố trí ngân sách và huy động nguồn lực cho phòng chống COVID-19. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu chính trị, thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước, thể hiện tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Về lao động, việc xây dựng, ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực lao động cơ bản theo đúng tiến độ đề ra. Dự báo đến cuối năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đều đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vượt kế hoạch khoảng 1%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ năng suất lao động ước tính đạt 3,2 - 4,2%; cơ cấu lao động tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 4,9 điểm % (chiếm 27,9%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,9 điểm % (chiếm 32,8%) và khu vực dịch vụ tăng 3,0 điểm % (chiếm 39,3%) so với cuối năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra một số hạn chế như vấn đề tăng năng suất lao động nhìn chung vẫn chưa đi vào thực chất, chủ yếu dựa vào sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực có giá trị gia tăng thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao hơn. Đáng lưu ý là mức độ không sử dụng hết tiềm năng của người lao động lại tập trung phần lớn vào nhóm lao động trẻ (dưới 34 tuổi), nhóm người được cho rằng có kỹ năng tốt hơn về công nghệ, có sức lực dồi dào, năng động hơn, việc này cho thấy chưa phát huy được “lợi thế dân số vàng” của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh mẽ vào khu vực các tỉnh thành phía Nam dẫn đến tình trạng dịch chuyển lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về quê để giảm sức ép về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý tránh những khu vực đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Việc này cũng tạo nguy cơ “thiếu hụt lao động” với số lượng lớn, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử.
Về việc làm, số việc làm tăng thêm cao nhất ở khu vực dịch vụ, chiếm 57,2%; kế đến là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33% và cuối cùng là khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 9,8%. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp trên toàn thế giới, các quốc gia, khu vực, địa phương đều áp dụng các biện pháp cứng rắn, đóng cửa, hạn chế việc dịch chuyển lao động thì với nỗ lực của các ngành, các cấp, ước cả năm vẫn đưa được khoảng 60 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 66,7% kế hoạch.
Tuy nhiên tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục không đi theo quy luật thường thấy trước khi có dịch, khi chỉ cao hơn 0,1 điểm % so với khu vực nông thôn. Việc làm chính thức cho người lao động tiếp tục sụt giảm và có xu hướng thu hẹp khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có dấu hiệu giảm bình quân cả về vốn và số lao động đăng ký; doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh có xu hướng gia tăng...
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan thay mặt Thường trực Uỷ ban trình bày ý kiến thẩm tra
Về an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 với nhiều điểm mới về chính sách trợ giúp xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo, động viên các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt với đối tượng là người khuyết tật. Hoạt động chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp tục được quan tâm.
Tuy nhiên tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững và quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp, đơn vị không trả được khoản nợ bảo hiểm, người lao động không có thu nhập sau khi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, một số chính sách cụ thể theo Nghị quyết 68/NQ-CP đến nay có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 20%), thậm chí có những lĩnh vực chưa giải ngân được như tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí - tử tuất; đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; các chính sách cho vay (trả lương ngừng việc; lương phục hồi sản xuất; trả lương phục hồi sản xuất doanh nghiệp vận tải, du lịch, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật; tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà các văn bản của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo dự toán ngân sách nhà nước.
Thảo luận tại Phiên họp, thành viên Ủy ban Xã hội và các đại biểu tham dự đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cụ thể: Bộ cần sớm tiến hành tổng kết việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm để trình Chính phủ đề xuất sửa đổi các luật này nhằm thể chế hóa mục tiêu cải cách tiền lương, cải cách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW và phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Sớm đề nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm năm 2003 cho phù hợp với tình hình mới.
Một số đại biểu đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình, đề án về lao động, người có công và xã hội, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo, cai nghiện ma túy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Bảo đảm cuối năm 2021 kịp thời công bố kết quả rà soát về số hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để có cơ sở thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội khác.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP một cách nghiêm túc, hiệu quả trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Tiếp tục nghiên cứu ban hành và triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ các đối tượng yếu thế chịu tác động của đại dịch COVID-19 trong đó có phụ nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ các đối tượng này giai đoạn hậu COVID-19; Tăng cường chuyển đổi số trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới, có giải pháp cụ thể để hỗ trợ chuyển đổi số đối với phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, kinh doanh, y tế, giáo dục...
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; sớm thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và chủ động trong công tác thống kê, theo dõi, quản lý về thông tin thị trường lao động; chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm điều kiện đáp ứng cho công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội do tác động của dịch COVID-19. /.