Xây dựng môi trường an toàn cho tất cả người lao động

25/05/2015

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 25/5, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động. Đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động nhằm xây dựng môi trường lao động an toàn.

Dự án Luật an toàn về sinh lao động đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường cũng như tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật                      Ảnh: Nam Nguyễn 

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: Về việc mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động, dự án Luật đã quy định cụ thể các chính sách đối với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động bao gồm: quyền và nghĩa vụ của người lao động (Điều 6); thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động (Điều 13); huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Điều 14); khai báo, thống kê, báo cáo tại nạn lao động, sự cố an toàn lao động (Điều 35, 37); điều tra tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động nghiêm trọng (Điều 36); chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện cho người lao động (khoản 3 Điều 6); khuyến khích người lao động nâng cao ý thức phòng ngừa tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (Điều 8, 9, 10, 11, 84).

Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: dự thảo Luật đã chỉnh lý 2 chính sách mới được bổ sung trong dự thảo Luật nhằm nâng cao ý thức đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động, người chủ sử dụng lao động cũng như tạo điều kiện cho người lao động hòa nhập lại thị trường lao động sau khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp tại Điều 56 và 57.

Về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt theo ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, dự thảo Luật đã quy định mức đóng tối đa 1% thay cho mức đóng cố định 1% như trước đây. Đồng thời, giao Chính phủ căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để quyết định mức đóng cụ thể như quy định tại Điều 45.

Thảo luận tại phiên họp, đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động. Các đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng của dự án Luật đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động là thể chế hóa quan điểm của Đảng, Điều 35 của Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia nhằm xây dựng môi trường an toàn cho người lao động trong khu vực này.

Về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đa số các vị đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với việc bổ sung này. Các đại biểu phân tích, 2 chính sách này nhằm nâng cao ý thức đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động và người sử dụng lao động cũng như tạo điều kiện cho người lao động hòa nhập lại thị trường lao động sau khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. 

Các đại biểu cho rằng, việc bổ sung 2 chính sách mới trong chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được quy định ở Điều 56, Điều 57 đã thể hiện tính nhân văn trong luật pháp nước ta, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động. 

Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc, cũng như hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động hòa nhập lại môi trường lao động sau khi bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Trong phiên họp sáng nay, các đại biểu cũng đã thảo luận về các nội dung: việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; các biện pháp xử lý tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; hệ thống kiểm soát rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật; trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động…

+ Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Nguyễn Phương-Hồ Hương