HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA KHU VỰC PHÍA BẮC

09/04/2019

Ngày 09/4, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khu vực phía Bắc. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh phía Bắc; đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính; đại diện Hiệp hội rượu, bia và nước giải khát; các doanh nghiệp xản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực bia rượu; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần phong cho biết, trong Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của toàn dân, tuy nhiên trong xã hội luôn tồn tại những hoạt động ảnh hưởng đến sức khỏe nhân nhân, trong đó có việc lạm dụng uống rượu bia gây ra bệnh tật, tai nạn, hệ lụy xã hội….Để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong mong muốn tại hội nghị này, các đại biểu, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu, bia tiếp tục cho ý kiến góp ý để Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổng hợp, hoàn thiện, chuẩn bị cho việc trình Dự án Luật tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây.

Báo cáo về thực trạng quản lý kinh doanh rượu, bia tại Việt Nam, đại diện Bộ Công thương cho biết, tại Việt Nam, rượu, bia là hai sản phẩm đồ uống có chứa cồn phổ biến, chiếm khoảng 99,7% thị phần, 0,3% còn lại là đồ uống có cồn khác được sản xuất, nhập khẩu hoặc nước giải khát pha chế thêm rượu, bia. Đối với bia, hiện có nước có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp. Sản lượng bia năm 2016 là khoẳng 3,8 tỷ lít, năm 2017 là hơn 4 tỷ lít, bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia năm 2017. Đối với rượu, đến nay Bộ Công thương đã cấp 16 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có công suất từ 3 triệu lít/ năm trở lên. Hoạt động sản xuất rượu công nghiệp tương đối ổn định. Sau khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP được ban hành, Bộ Công thương không cấp thêm giấy phép sản xuất công nghiệp mới mà chỉ cấp sửa đổi bổ sung 03 Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp với nội dung điều chỉnh chủ yếu là bổ sung chủng loại rượu, không thay đổi công suất thiết kế.

Đại diện Bộ Công thương phát biểu

Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, do quy mô của cá cơ sở sản xuất rượu thủ công rất nhỏ, sản lượng ít, nằm rải rác trên địa bàn rộng lớn vì mục đích chủ yếu là để lấy phụ phẩm phục vụ chăn nuôi nên hoạt động sản xuất rượu thủ công không có giấy phép còn khá phổ biến; chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục liên quan để được cấp Giấy phép sản xuất rượu lớn hơn nhiều so với quy mô sản xuất nên nhiều cơ sở không tiến hành việc xin cấp giấy phép sản xuất.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế đã chỉ ra rằng, rượu, bia không phải là đồ uống bình thường mà là loại đồ uống đã và đang gây ra các tổn hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Đối với người sử dụng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe thế chất và tinh thần, suy giảm các vai trò xã hội; còn đối với người xung quanh bị ảnh hưởng về thể chất, tinh thần, tổn thất về tài sản, tiền bạc, nghèo hóa…

Thảo luận tại hội nghị, một số đại biểu cho biết, không thể phủ nhận rằng ngành sản xuất rượu bia ở Việt Nam giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách và giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp; tuy nhiên việc sử dụng rượu bia gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế, các vấn đề xã hội và môi trường. Do hậu quả xã hội của sử dụng rượu, bia ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực; sử dụng rượu bia đang làm gia tăng tình trạng bất công bằng xã hội. Do đó, hậu quả của rượu bia không chỉ là vấn đề của y tế công cộng mà còn là vấn đề xã hội đòi hỏi phải có sự tham gia giải quyết liên ngành theo định hướng phát triển bền vững với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho ý kiến tại hội nghị

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nhấn mạnh, cần phải xem xét, để cân đối sự hài hòa giữa lợi ích của ngành sản xuất bia, rượu đem lại với những phí tổn do sử dụng rượu bia gây ra bao gồm cả chi phí trực tiếp và gián tiếp của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Chính vì vậy, phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát cung và cầu mỗi năm nhằm giảm thiểu tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra. Ngoài ra, có đại biểu cũng đề nghị làm rõ quy định các mức độ quảng cáo về rượu, bia đã hợp lý chưa; có quy định cấm nhưng chế tài xử lý vi phạm đã thật sự hợp lý và rõ ràng?

Tuy nhiên một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng rượu, bia cũng có phần thuộc về yếu tố văn hóa, đặc biệt như Việt Nam và các nước Á Đông; do vậy khi nghiên cứu về Dự luật này thì cần phải nghiên cứu, xem xét từ nhiều khía cạnh, bên cạnh góc độ sức khỏe, kinh tế thì phải cân nhắc khía cạnh về yếu tố nền tảng văn hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, ý kiến từ phía Hiệp hội bia, rượu và nước giải khát, đại diện các doanh nghiệp sản xuất tại lĩnh vực này cho rằng, các số liệu của Bộ Y tế và các nhà nghiên cứu cần có sự thống nhất hơn nữa, phân tích khoa học đề quy trình sản xuất rượu bia và đơn vị cồn có trong mỗi đơn vị rượu bia; đồng thời cần phân tích rõ được tính khả thi của Dự luật, việc ra đời của Dự luật liệu có đảm bảo được những tiêu chí đã đề ra về sức khỏe, xã hội hay là lại phát sinh thêm một số tồn tại khác.

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong trân trọng cảm ơn các ý kiến quý báu, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các đại biểu tham dự. Phó chủ nhiệm Ủy ban mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án luật để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thêm nhiều thông tin, căn cứ để hoàn thiện Dự án luật theo đúng quy trình./.

Hồ Hương