Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp còn có các đồng chí là Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện của các bộ ngành: Bộ Nội vụ, Đảng Ủy khối các doanh nghiệp trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số Hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Tại phiên họp, Trưởng ban Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban soạn thảo Dự án luật Phạm Huy Giang đã báo cáo chuyên đề về khen thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nói chung có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Những năm gần đây, hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển đột biến, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: Tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo...
Công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được các địa phương, bộ, ngành triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Việc khen thưởng không phân biệt là doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước, thực hiện theo nguyên tắc mọi tập thể, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật về Thi đua, Khen thưởng. Thực tế đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước trong đó có cả các doanh nghiệp FDI đã được tặng thưởng các hình thức khen thưởng, các danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước như: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua của Chính phủ, Danh hiệu Anh hùng Lao động.
Trưởng ban Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc thời gian qua trong công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước như việc tổ chức phong trào thi đua ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả, chưa tạo ra những tác động rõ nét tới kết quả sản xuất kinh doanh nên việc công nhận các danh hiệu thi đua cho công nhân, người lao động, các tập thể trong các doanh nghiệp này nhìn chung chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, từ đó ảnh hưởng tới việc khen thưởng cho các tập thể và cá nhân. Một số quy định các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật Thi đua, Khen thưởng còn có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn.
Trưởng ban Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Phạm Huy Giang.
Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật đề nghị để khen thưởng cho doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp cần có những quy định cụ thể trong Luật, với điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng; hướng khen thưởng doanh nghiệp vào những hình thức cụ thể (chuyên đề, đột xuất) vì các doanh nghiệp được thành lập và tổ chức hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu chí đánh giá đối với các tập thể và cá nhân sẽ có những nội dung khác nhau.
Ông Phạm Huy Giang đề nghị, không phân biệt doanh nghiệp khu vực nhà nước hay khu vực ngoài nhà nước về đối tượng và điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng vì mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các doanh nhân, doanh nghiệp các quy định của pháp luật Thi đua, Khen thưởng để tăng cường hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng trong các doanh nghiệp. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc khen thưởng đối với doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương.
Góp ý vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập đến thực trạng việc tổ chức thi đua, khen thưởng, vinh danh đối với cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh trong thời gian qua: Các loại danh hiệu, hình thức khen thưởng, cách thức tổ chức thực hiện, thẩm quyền tổ chức giải thưởng, khen thưởng, nguồn kinh phí thực hiện.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong việc tổ chức thi đua, khen thưởng, vinh danh. Một số phong trào thi đua được phát động có lúc, có nơi và có thời điểm vẫn còn hình thức, có phát động thi đua nhưng khi tổ chức thực hiện thì hiệu quả chưa được như mong muốn và phù hợp với các tiêu chí quy định, việc đánh giá, tổng kết và khen thưởng chưa kịp thời. Vẫn còn có những danh hiệu được tôn vinh không đúng thẩm quyền, không hiệu quả gây lãng phí và còn biến tướng thành các hình thức khác nhau như bình xét, bình chọn...gây bức xúc trong xã hội và bất cập trong công tác quản lý. Về tiêu chuẩn của các danh hiệu chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, việc bình xét còn chưa được minh bạch, chặt chẽ vẫn còn cảm tính và cào bằng. Về công tác thi đua khen thưởng đang chủ yếu tập trung vào các đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và cơ quan quản lý nhà nước (như tỉnh thành, quận huyện, làng xã, các bộ ngành...), nên chưa bao trùm hết cả hệ thống chính trị và xã hội, vẫn còn đối tượng đặc biệt là chủ doanh nghiệp và nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được đề cập đến. Bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong thủ tục, thẩm quyền tuyến trình khen thưởng như thủ tục, hồ sơ khen thưởng còn quy định phức tạp, rườm rà, chưa phù hợp với xu thế và yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng kiến nghị một số nội dung cần sửa đổi trong Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng. Luật cần được xây dựng và bổ sung các đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị. Đồng thời cần bổ sung thêm tổ chức đại diện người sử dụng lao động, đây là tổ chức đại diện cho doanh ngiệp, doanh nhân vào phạm vi điều chỉnh và tuyến trình khen thưởng, đảm bảo công tác phát động, đề xuất, trình khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu, chuyên gia cũng góp ý một số vấn đề liên quan đến tuyến trình khen thưởng, điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục, hồ sơ. Về tuyến trình khen thưởng, có ý kiến cho rằng, việc khen thưởng đối với doanh nghiệp, tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ: “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý”. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đó khen thưởng và trình cấp trên khen thưởng. Doanh nghiệp hoặc các tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp có thành tích đóng góp cho địa phương ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (không thuộc cấp quản lý) thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tập thể, cá nhân lập được thành tích khen thưởng theo thẩm quyền.
Tuyến trình khen thưởng đối với doanh nghiệp, tập thể cá nhân thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước (kể cả doanh nghiệp FDI) cũng là nội dung được nhiều đại biểu và chuyên gia quan tâm thảo luận. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp, tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp hoạt động tại địa phương nơi đặt trụ sở giao dịch (kể cả trong khu công nghiệp, khu chế xuất và bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất) do Người đứng đầu doanh nghiệp khen thưởng hoặc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở giao dịch khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Đơn vị thành viên của doanh nghiệp, nhưng hạch toán độc lập và thực hiện nghĩa vụ ở địa phương nơi không đóng trụ sở giao dịch chính ngoài việc khen thưởng do Người đứng đầu doanh nghiệp quyết định theo thẩm quyền thì Người đứng đầu đơn vị thành viên thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đơn vị thành viên có trụ sở và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Về thủ tục, hồ sơ, một số ý kiến đề nghị cần được nghiên cứu và quy định cụ thể cho từng hình thức theo hướng giảm thủ tục hành chính. Thành tích của các danh hiệu và hình thức tôn vinh cần được luật hóa (sự tôn vinh của cấp nhà nước, cấp trung ương, bộ, ngành, cấp địa phương...) làm cơ sở, điều kiện để khen thưởng hình thức cao hơn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, hiện nay chưa có sự phát hiện, chưa có sự ghi nhận khen thưởng đối với các doanh nghiệp chủ yếu là lao động nữ hoặc doanh nghiệp do nữ giới làm chủ, do đó đại biểu đề nghị cần quan tâm khen thưởng đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách với lao động nữ, quan tâm thêm về tiêu chí này của các doanh nghiệp để có những đánh giá khách quan, chính xác. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, ngoài việc phát hiện để khen thưởng được quy định do người đứng đầu doanh nghiệp thì chúng ta có thể phát hiện thông qua hoạt động giám sát. Hay hệ thống Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cũng là một kênh để phát hiện khen thưởng, qua đó sẽ giúp cho việc khen thưởng trở nên thực chất hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các ý kiến phát biểu, các kiến nghị tại phiên thảo luận rất xác đáng, thiết thực, không khí thảo luận sôi nổi, cởi mở, dẫn chứng sinh động. Thường trực Ủy ban xã hội tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cửu kỹ để có sự điều chỉnh trong Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Thực tiễn cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong việc tổ chức thực hiện khen thưởng, do đó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội hy vọng Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ giải quyết được những vướng mắc này trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị quy trình, thủ tục khen thưởng cần được đơn giản hơn và thể hiện rõ ràng hơn trong Dự án Luật, tránh sự trùng lắp các đề xuất khen thưởng. Có ý kiến đề cập đến sự công nhận các hình thức khen thưởng, có ý kiến đề nghị cần nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng, Một số ý kiến đề cập đến Quỹ Khen thưởng, quan điểm là thành tích đến đâu khen đến đó. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần bổ sung thêm nội dung "thành tích ở đâu khen ở đó" để tôn vinh, lan tỏa, phát hiện khen thưởng điển hình, khen thưởng kịp thời như trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Cần có sự linh hoạt xử lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khen thưởng kịp thời và tôn vinh, qua đó có cơ sở quy định để khen thưởng thực chất./.