TRÌNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NỘI DUNG TẠI 15 ĐIỀU TRONG TỔNG SỐ 33 ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG ĐOÀN

29/09/2020

Sáng ngày 29/9/2020, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi điều hành phiên họp.

 

Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội: Lê Thị Nguyệt, Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hoàng Mai; đại biểu Quốc hội là thành viên của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía cơ quan soạn thảo có Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại Phiên họp.

Mở đầu phiên họp, đại biểu nghe Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thực hiện Nghị quyết số 106 năm 2020 Quốc hội Khóa 14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Sửa đổi Luật Công đoàn để đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới.

Trình bày sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2013 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn của tổ chức Công đoàn trong xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới.

Cụ thể, đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn. Hệ thống tổ chức, phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ chưa thật rõ, còn chồng chéo và chưa hợp lý. Các quy định đảm bảo công khai, minh bạch, tài chính công đoàn chưa rõ ràng, cụ thể. Cơ chế đảm bảo thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ, cụ thể, tính khả thi không cao.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày Tờ trình tại Phiên họp.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, do Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp 2013 được thông qua, nên có những quy định của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp 2013. Ngoài ra, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức công đoàn, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn. Do vậy, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, hiện Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế. Các cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động Quốc tế. Những cam kết này đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động-công đoàn”. Do vậy, Luật Công đoàn cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và các thể chế chính trị của Việt Nam.

Trình sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn. Trong đó, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 23: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam tại Điều 7: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, bao gồm cấp Trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cấp tỉnh, ngành trung ương; cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp cơ sở”.

Nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua vấn đề thu, chi, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra, kiểm toán và giám sát  chặt chẽ, định kỳ thường xuyên. Tuy nhiên, thực tiễn việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy cần phải xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung về miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn. Mặt khác, thời gian qua, việc công khai, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt và hiểu đúng việc thu, chi, sử dụng tài chính công đoàn, nhất là kinh phí công đoàn của Công đoàn Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự lan tỏa rộng khắp, khiến một số cá nhân còn băn khoăn về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này. Do đó, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, để đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán và giám sát của các cơ quan chức năng và của Quốc hội trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung vào Điều 28: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản của Công đoàn theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật khác”.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ Luật Lao động 2019, Dự thảo luật dự kiến sửa đổi Điều 1 theo hướng bổ sung rõ khái niệm “Công đoàn Việt Nam”; bỏ các cụm từ “là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”…

Ngoài ra, Bộ Luật Lao động 2019 đã cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia họat động của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, do vậy để tăng cường vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam với người lao động và đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động, Dự thảo đã bổ sung vào Điều 5 (Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập, hoạt động hợp pháp, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và trở thành công đoàn cơ sở theo trình tự, thủ tục do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định”.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 17 về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn./.

Lan Hương - Minh Hùng

Các bài viết khác