SỬA ĐỔI LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG: KHẮC PHỤC BỆNH HÌNH THỨC TRONG CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

06/09/2021

"Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần hướng nhiều hơn về cơ sở, khắc phục bệnh hình thức và bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng,…" là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại Nhà Quốc hội dưới hình thức trực tuyến vào sáng 06/9. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Với sự tham gia của đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực thi đua khen thưởng, hội thảo là diễn đàn khoa học nhằm tham vấn ý kiến phục vụ cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, Luật cần hướng nhiều hơn về cơ sở. Chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Quan tâm khen thưởng ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số, không phải chỉ công nhân, nông dân; khen thưởng cần phải kịp thời, thành tích đến đâu khen đến đó theo chủ trương của Đảng và tư tưởng của Bác Hồ. Cùng với đó, cần khắc phục được bệnh hình thức và bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng. Bệnh thành tích tức là chạy danh hiệu thi đua. Cần tăng cường các quy định cấm để giải quyết tình trạng đi chạy thành tích, đi xin khen thưởng.

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cũng lưu ý, Luật hiện tại chưa chú trọng khắc phục vấn đề nặng về tích lũy và gối đầu. Vì vậy, bên cạnh tuyến quy định về vấn đề tích lũy thành tích để thúc đẩy sự liên tục ý chí thi đua (xu hướng giảm dần), cần bổ sung tuyến quy định về khen thưởng khác, hướng về cá nhân, tập thể nhỏ lẻ, chủ thể trực tiếp sản xuất, lao động; bổ sung quy định khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

Về nội dung này, Ths.Đậu Công Hiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, để phát huy vai trò của công tác thi đua, khen thưởng; còn rất nhiều vấn đề cần phải đặt ra trong thời gian tới. Điều cốt lõi chính là công tác này phải thật sự trở thành một dấu ấn, một điểm sáng để mọi cá nhân, tập thể phấn đấu. "Không thể chấp nhận hiện tượng cào bằng, chủ nghĩa bình quân trong thi đua, khen thưởng", Ths.Đậu Công Hiệp nhấn mạnh.

Đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến

Ở góc tiếp cận khác, ông Nguyễn Đình Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, công tác thi đua khen thưởng đối với khối ngoài Nhà nước chưa được triển khai tốt, chưa xác định đúng vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng. Việc phát động và tổ chức phong trào thi đua có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thường xuyên, thiếu tiêu chí thi đua, có nội dung chưa thực chất, chưa gắn với nhiệm vụ chuyen môn được igao, chưa tạo động lực cho từng tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ.

Từ thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng, ông Nguyễn Đình Hiển đề xuất, Luật cần quy định trách nhiệm cụ thể của người đúng đầu trong tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của phong trào thi đua, tránh bệnh hình thức trong phong trào thi đua, có phát nhưng không động, hoặc thi đua không hiệu quả, gây tốn kém lãng phí. Ngoài ra, dự thảo Luật cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa về thẩm quyền khen thưởng, trong đó có quyền ủy quyền của các trưởng Bộ ngành và cấp trực thuộc như các Tổng cục, các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn…

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, thời gian vừa qua một số phong trào thi đua còn hình thức; việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số trường hợp chưa chính xác, vẫn còn hiện tượng cào bằng. Bên cạnh đó, trong công tác thi đua khen thưởng cũng chưa thực sự quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất;…. Để khắc phục, giải quyết căn bệnh hình thức, thành tích, nặng tính tích lũy, “gối đầu” và đảm bảo tính kịp thời, khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị, công tác thi đua khen thưởng phải khắc phục hạn chế hiện nay, đi vào thực chất; tránh nhầm lẫn khen thưởng những người hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, dự thảo cũng cần rà soát lại để có những quy định chặt chẽ về tiêu chí, thủ tục, trình tự khen thưởng; đảm bảo tính tương xứng giữa danh hiệu với mức khen thưởng; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, phát huy được tính tích cực, chủ động của mõi cá nhân, phát huy tinh thần đoàn kết của tập thể.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn tập trung thảo luận làm rõ bản chất, mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng; yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tính thống nhất trong thi đua, khen thưởng trong hệ thống chính trị; việc khen thưởng cá nhân, tập thể ở khu vực ngoài nhà nước;…

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, theo Nghị quyết 106/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội khóa XIV, tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trên cơ sở trên cơ sở Tờ trình số 256/TTr-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ, tại Phiên họp thứ 2 (tháng 8/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh  nhấn mạnh, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thiết thực và có hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động phối hợp tổ chức các phong trào thi đua thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động phát hiện kịp thời khen thưởng và đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho các trường hợp có thành tích… Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng trong những năm qua được tập trung triển khai thực hiện và trở thành nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên,bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế, bất cập như: Đối tượng điều chỉnh khá rộng, song chưa bao quát được đầy đủ các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế... ; Thủ tục hành chính về khen thưởng còn phức tạp; Một số phong trào thi đua còn hình thức; Việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số nơi còn hiện tượng cào bằng; Chưa thực sự quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất; Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương; Việc quản lý Nhà nước về tôn vinh trao giải thưởng về doanh nhân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; Việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức và chưa thường xuyên, liên tục...

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định đây là nguồn thông tin, luận cứ khoa học quan trọng phục vụ hữu hiệu cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)./.

Lê Anh