Thường trực Ủy ban Xã hội họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

18/09/2024

Sáng 18/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy.

Đảm bảo giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; đại diện Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết, phiên họp này được tổ chức nhằm cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy, nhằm hoàn thiện các báo cáo này trình Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu mở đầu phiên họp

Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trong xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Bộ đã thực hiện đầy đủ, chu đáo có chất lượng các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, đột xuất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chủ động thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân về các chính sách và giải pháp chỉ đạo, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng trước Quốc hội, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri. Kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo

Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động được chú trọng phát triển; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; việc làm và thu nhập của người lao động có tăng so với cùng kỳ năm 2023, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp cơ bản duy trì ổn định, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, BHXH, BHTN, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...; việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh.

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy, đại diện Bộ Công an cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi, manh động, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.

Trong quá trình triển khai các mặt công tác phòng, chống tội phạm ma túy, Công an các đơn vị, địa phương luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển (theo Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2022 của Chính phủ) và các đơn vị chức năng của Bộ Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong điều tra xử lý tội phạm ma túy, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm và đưa ra xét xử lưu động, công khai các vụ án ma túy điểm tại các địa bàn phức tạp về ma túy. Đồng thời, thường xuyên rà soát các quy chế, kế hoạch phối hợp, tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện.

Đại diện Bộ Công an trình bày báo cáo

Các Bộ, ngành, địa phương triển khai đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp; các đối tượng có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động... Trong đó, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Thông tấn xã Việt Nam, Trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia (Tiếng Chuông)… xây dựng hàng trăm chương trình, phóng sự, tọa đàm, phim tài liệu, bài viết tuyên truyền về hiểm họa ma túy, những tấm gương điển hình, mô hình phòng, chống ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử và trên các nền tảng số; qua đó cung cấp cho khán, thính giả, độc giả thông tin toàn diện, phong phú về hậu quả, tác hại của ma túy, chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao các kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như phòng, chống ma túy. Một số ý kiến phản ánh, thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2024 vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Bên cạnh đó, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tình hình tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn chung về hoạt động sản xuất kinh doanh, một số đơn vị, địa phương chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản, quy định về an toàn vệ sinh lao động chưa kịp thời.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu

Về công tác phòng, chống ma túy, các đại biểu cho biết, việc kiểm soát tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất còn nhiều khó khăn như: việc bán các loại hàng hóa trong lĩnh vực trên mạng rồi gửi qua hệ thống chuyển phát nhanh, giao hàng tận tay người mua gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý.

Một số doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin hàng hóa khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa chủ động báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ...gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý; nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ như hộ gia đình, phân bố trên địa bàn rộng nên không nắm được chính xác về số lượng; các doanh nghiệp chưa báo cáo đầy đủ hoặc không báo cáo cho đơn vị quản lý số lượng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất, đặc biệt là tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp...

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, trong thời gian vừa qua của năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an đã chủ động tham mưu Chính phủ về các lĩnh vực có thẩm quyền, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt các kế hoạch đã định cũng như kịp thời, linh hoạt ứng phó với những thay đổi trong thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu kết luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo đảm bảo bao quát được tình hình thực tế, cập nhật những diễn biến mới, cụ thể hóa các chỉ tiêu, số liệu chính xác, thống nhất, sát với thực tế, đảm bảo chất lượng báo cáo trình Quốc hội.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu mở đầu phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu

Đại diện Bộ Y tế phát biểu

Các đại biểu nghiên cứu Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Đại diện Bộ Công an phát biểu

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu giải trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu kết luận./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức