NHẬN DIỆN TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI: KHẨN TRƯƠNG PHÁT GIÁC NHỮNG TỘI PHẠM NÚP BÓNG, ẨN DANH

01/09/2021

Thực hiện chương trình công tác năm 2021, sáng 01/9, tại Trụ sở các Cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức tọa đàm chuyên gia về nhận diện tệ nạn xã hội trong tình hình mới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Thị Lan chủ trì tọa đàm.

 

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm còn có các đại biểu Quốc hội một số tỉnh/thành phố; đại diện Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Thị Lan cho biết, công tác phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn, xã hội là công tác được Đảng và nhà nước rất quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không chỉ những tội phạm truyền thống mà còn xuất hiện những loại tội phạm mới gây ảnh hưởng đến tư tưởng, sức khỏe, tính mạng và trật tự xã hội. Do đó, Thường trực Ủy ban tổ chức tọa đàm này để lắng nghe báo cáo của Bộ Công an và các Bộ, ngành; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nắm bắt thêm thông tin, cơ sở thực tiễn. Qua đó chỉ ra những bất cập về cơ chế chính sách, công tác tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đưa ra đề xuất giải pháp cụ thể, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Thượng tá Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát, Văn phòng Bộ Công an chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, tội phạm và tệ nạn xã hội đang có xu hướng lợi dụng công nghệ cao để hoạt động, nhất là hoạt động qua không gian mạng (tuyên truyền lôi kéo, tổ chức, trao đổi, liên lạc...). Lợi dụng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại, các tệ nạn, tội phạm lại càng trở nên phức tạp hơn. Qua số vụ bắt giữ về ma túy, mại dâm tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy hoạt động của tệ nạn xã hội này vẫn diễn ra phức tạp, mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19. Dự báo tác động của đại dịch làm cho đời sống của một bộ phận nhân dân khó khăn hơn, tạo áp lực gia tăng hoạt động của nhiều loại tội phạm và tệ nạn xã hội trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số bộ ngành hữu quan cho biết, về phòng, chống mại dâm, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tệ nạn mại dâm tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn phức tạp với những hiện tượng như: mại dâm sử dụng công nghệ thông tin, mại dâm tại khu vực biên giới vẫn tiếp tục gia tăng…; đối tượng mua dâm là người nước ngoài có xu hướng tăng, xuất hiện nhiều đường dây bán dâm có sự tham gia của các thành phần như sinh viên, người mẫu, doanh nghiệp,…Công tác nắm tình hình của các cơ quan chức năng ở một số địa phương trọng điểm còn chậm, chưa đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, triệt để đối với những địa bàn có tụ điểm phức tạp về mại dâm. Việc triển khai mô hình thí điểm chưa đảm bảo khẳng định được kết quả, hiệu quả theo định hướng mục tiêu do các nội dung thực hiện chủ yếu tập trung cho hoạt động tuyên truyền, tập huấn, chưa thực hiện được việc kết nối, cung cấp, chuyển gửi các dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng, đặc biệt các hoạt động về vay vốn, dạy nghề, tìm việc làm cho người bán dâm.

Đại diện Văn phòng Bộ Công an báo cáo

Về cai nghiện ma túy, công tác thông tin, tuyên truyền còn chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy, nhiều người cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện; nhiều người nghiện, gia đình không tự giác tham gia do ngại bị xã hội kỳ thị. Hầu hết tâm lý người nghiện, gia đình thường bao che, không hợp tác, không tự nguyện tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, gây khó khăn cho công tác hỗ trợ, giúp đỡ họ.

Về tội phạm, tệ nạn liên quan đến cờ bạc, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật về cờ bạc đã giảm đáng kể, nhất là hình thức cờ bạc “truyền thống” như xóc đĩa, chọi gà, lắc tài xỉu... và các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp, dài ngày, quy mô hàng trăm đối tượng. Tuy nhiên, việc phát hiện, bắt giữ các vụ cờ bạc hiện nay mới chủ yếu là giải quyết phần ngọn, đánh mạnh chỗ này, các đối tượng lại dạt sang chỗ khác nên địa phương nào cũng có, vẫn tồn tại khá phổ biến, chuyển sang hình thức “chộp giật” với quy mô nhỏ hơn, lưu động trong thời gian ngắn. Riêng hoạt động đánh bạc bằng ghi số lô, số đề vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, chưa giảm và có xu hướng chuyển sang lợi dụng công nghệ để hoạt động trên không gian mạng; hoạt động cá độ bóng đá, cá cược thể thao, các hình thức đánh bạc sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng diễn ra với quy mô rất lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng thiết bị 3G, 4G, kết nối mạng Internet để điều hành, quản lý trên mạng tổng (máy chủ đặt ở nước ngoài).

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, trực tiếp đến nền kinh tế, xã hội đất nước và đời sống an sinh của người dân. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là công tác cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm cần đẩy mạnh. Trên thực tế, những tội phạm này vẫn tiếp tục hoạt động dưới nhiều hình thức núp bóng, ẩn danh trong mùa dịch. Do đó, cần tiếp tục tăng cường vai trò của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trong việc giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác phòng, chống mại dâm; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố trọng điểm; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành kế hoạch đầu tư công để nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Thị Lan phát biểu

Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, do thực hiện giãn cách xã hội và quản lý phòng chống dịch chặt chẽ nên hoạt động mua bán dâm nhiều nơi chiều hướng lắng xuống do việc đóng của các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, hạn chế di chuyển "nhà ai ở nhà đó". Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn lén lút hoạt động như massage hoạt động kín đáo, khách sạn nhà nghỉ không bị đóng cửa. Để kiếm sống, trang trải các khoản nợ, một số người bán dâm ẩn danh trong vai trò tiếp viên nhà hàng, tiếp thị, chuyển công việc khác buôn bán nhỏ…tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ nhiễm, lây lan bệnh dịch cao. Do đó, bằng mọi biện pháp, cách thức triển khai kế hoạch và nhiệm vụ công tác năm 2021 phù hợp, cần khắc phục khó khăn về bệnh dịch, không để "đứt gãy" các hoạt động thường xuyên; Khẩn trương triển khai các chương trình phòng chống ma túy, mại dâm giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu tham dự cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đây cũng là lúc không ít đối tượng tệ nạn xã hội, tội phạm hoạt động lén lút. Mặc dù đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, một số đối tượng vẫn tổ chức sử dụng ma túy, mại dâm, tụ tập đông người vi phạm quy định phòng chống dịch; đặc biệt có các loại tội phạm mới xuất hiện như lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiêm vắc xin; đưa tin sai sự thật, tin giả liên quan đến dịch bệnh; kinh doanh các mặt hàng khẩu trang, bảo hộ...Do đó, Bộ chủ quản và các Bộ, ngành hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đưa ra các giải pháp đồng bộ để truy vết, phát hiện, xử lý các tội phạm, tệ nạn xã hội tuy không mới nhưng được bộc lộ trong nhận diện mới, quy mô mới.

Kết luận một số nội dung tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Thị Lan trân trọng cảm ơn những ý kiến xác đáng, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Đây là những thông tin quan trọng, những cơ sở thực tiễn giúp Ủy ban thực hiện tốt nhiệm vụ được giao liên quan tới việc thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Xác định rõ những loại tội phạm mới gây ảnh hưởng đến tư tưởng, sức khỏe, tính mạng và trật tự xã hội sẽ tiếp tục lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp để hoạt động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công an và các Bộ, ngành hữu quan cần sát sao hơn nữa, phối hợp tốt hơn nữa trong việc phát hiện và xử lý tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, Ủy ban Xã hội cũng sẽ đưa ra những đề xuất giải pháp cụ thể, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện công tác này./.         

Hồ Hương