ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC, GIẢM NHU CẦU SỬ DỤNG THUỐC LÁ

26/04/2022

Sáng 26/4, tại Hà Nam, Ủy ban Xã hội tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan chủ trì Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo còn có: các thành viên của Ủy ban Xã hội; Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng; đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013. Sau 9 năm thực hiện đã có một số kết quả nhất định như: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá được chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương quan tâm. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng lên, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm, sản lượng sản xuất thuốc lá đã giảm. Các mô hình không hút thuốc lá trong cơ quan, doanh nghiệp, nơi công cộng được phổ biến ở nhiều nơi trên cả nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn cao so với nhiều nước trên thế giới. Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều bất cập; hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa bao phủ trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, sự ra đời của thuốc lá thế hệ mới có khả năng gây hại cho sức khỏe và nguy hiểm đối với thanh thiếu niên do nguy cơ nghiện chất nicotine, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử. Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá còn diễn biến phức tạp, ngay trong đại dịch Covid-19, đặc biệt ở khu vực biên giới, vùng biển, nơi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Việt Nam hiện có mức giá và thuế thuốc lá ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế và hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá dường như vẫn được coi là nhiệm vụ của riêng ngành y tế.

Trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những nội dung như: thực trạng phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là bảo vệ trẻ em khỏi môi trường khói thuốc; công tác quản lý nhà nước, cơ sở pháp lý và biện pháp để phòng, chống thuốc lá, nhất là các loại thuốc lá thế hệ mới; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới; chính sách thuế tiêu thụ đối với thuốc lá; sự phối hợp giữa các cơ quan và địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá...

Toàn cảnh Hội thảo

Đi vào một số nội dung cụ thể, các đại biểu chỉ ra rằng, qua nhiều nghiên cứu cho thấy, tăng chi tiêu cho thuốc lá dẫn đến giảm chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục trong các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu chứng minh rằng chi tiêu thuốc lá nhiều hơn có liên quan đến chi tiêu nhiều hơn cho rượu. Cùng với nhau, những chi tiêu này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lâu dài đến mức sống hộ gia đình, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ em. Ngược lại, do giá thuốc lá tương đối thấp, việc tiêu thụ thuốc lá không ảnh hưởng đến các chi tiêu khác của hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao ở Việt Nam. Do đó, rất có thể việc sử dụng thuốc lá ngày càng làm gia tăng bất bình đẳng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ rõ, các quy định pháp luật quốc tế và trong nước cũng tương đối đầy đủ trong việc bảo vệ trẻ em khỏi khói thuốc lá. Cụ thể: Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (Bảo vệ trẻ em khỏi các quảng cáo thuốc lá, Bảo vệ trẻ em khỏi phơi nhiễm với khói thuốc, Các chính sách thuế/giá để trẻ em không bắt đầu hút thuốc, Cấm các loại thuốc mùi hấp dẫn để tránh trẻ em thử dùng, Cảnh báo sức khỏe để trẻ em hiểu về tác hại và tránh dùng); Công ước về quyền trẻ em: quyền được sống, quyền sức khỏe; Luật bảo vệ trẻ em; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (Cấm hút thuốc tại một số địa điểm như bệnh viện, trường học; Cấm bán thuốc lá xung quanh trường học; Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; Cấm người dưới 18 tuổi sử dụng và cấm bán thuốc lá cho trẻ em).

Cho rằng tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, cơ chế chính sách để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả, trong đó có mặt hàng thuốc lá.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu rộng để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác này. Công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung; tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá nhập lậu (vì không kiểm soát được chất lượng) đối với sức khỏe cộng đồng; phê phán và lên án những hành vi vi phạm, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; tăng cường truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá./.

Hồ Hương