Cuộc thi Tìm hiểu về 75 năm Quốc hội Việt Nam do Công đoàn Cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức, chào mừng 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 06/01/1946.
Tham dự lễ khai mạc có Bí thư Đảng uỷ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi. Dự vòng chung kết cuộc thi còn có đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Ban, Viện, Cục vụ, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, đại diện các đoàn thể, ban chấp hành các công đoàn trực thuộc, đặc biệt là 6 đội thi được vào vòng chung kết.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong hoàn cảnh chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, cùng một lúc phải chống lại thù trong giặc ngoài và giặc đói, giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Đây là sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử của nước ta khi lần đầu tiên toàn thể nhân dân được hưởng quyền làm chủ, độc lập tự do của mình trong việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người đại diện, xứng đáng thay mặt cho nhân dân gánh vác công việc chung của đất nước. Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên…
75 năm - một chặng đường dài đã trôi qua kể từ khi lần đầu tiên người dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình. Nhưng dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chỉ thị, sắc lệnh và hoạt động của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại nhiều bài học cho các thế hệ người Việt Nam trong công tác bầu cử, xây dựng Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc Vòng chung kết Cuộc thi Tìm hiểu về 75 năm Quốc hội Việt Nam.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2021), Công đoàn Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về 75 năm Quốc hội Việt Nam. Chào mừng sự kiện quan trọng này, cuộc thi được phát động từ tháng 7/2020, Ban tổ chức đã nhận được 1.233 bài dự thi của cán bộ công chức thuộc các vụ, cục, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội và chọn ra được 06 bài thi xuất sắc tranh tài trong vòng chung kết. Đặc biệt có 24 bài dự thi của Đại biểu Quốc hội, có 02 bài không thuộc đối tượng dự thi nhưng cũng nhiệt tình tham gia trong đó có 1 đơn vị đã chuyển sinh hoạt công đoàn về địa phương đó là Công đoàn Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và 01 bài dự thi của công chức Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi tặng hoa cho đại diện tác giả được vào vòng Chung kết Cuộc thi Tìm hiểu về 75 năm Quốc hội Việt Nam.
06 bài thi của công đoàn viên được vào vòng chung kết thuộc Công đoàn Vụ Kinh tế; Công đoàn Vụ Thông tin; Công đoàn Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Công đoàn Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử; Công đoàn Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và Công đoàn Báo Đại biểu nhân dân đã tranh tài dưới hai hình thức thuyết trình và thi tài năng.
Các bài thuyết trình và phần thi tài năng của các công đoàn viên với sự xúc động, tự hào đã khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam đến nay; những dấu mốc quan trọng trong hoạt động của Quốc hội trong suốt 75 năm qua.
Đánh giá về cuộc thi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành - Trưởng ban Giám khảo cho biết, kết quả chấm thi vòng Sơ khảo cho thấy 100% bài có quy cách đúng theo quy định của cuộc thi, trả lời đầy đủ 5 câu hỏi và có nhiều hình ảnh tư liệu quý hiếm; nhiều thi có liên hệ thực tiễn, sát với chuyên môn hàng ngày, đề xuất nhiều ý tưởng mới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu, nội dung độc đáo như viết thành trường ca với trên 1 nghìn câu thơ. Các bài thi đã thể hiện những thành tựu, đóng góp của Quốc hội VIệt Nam và những thách thức đặt ra trong thời kỳ mới. Các thí sinh được chọn vào Vòng Chung kết đã thể hiện phần thuyết trình và tài năng xuất sắt. Đặc biệt, phần thi năng khiếu đã được dàn dựng công phu, sâu sắc, nhiều ý nghĩa, có chất lượng nghệ thuật cao, từ câu chuyện đi bầu cử tại Quốc hội Khóa I, buổi tiếp công dân lắng đọng nhiều giá trị của lịch sử về quyền con người, quyền công dân; điệu ví dặm thơ nhạc sâu lắng, đến những giai điệu hào hùng ca ngợi Tổ quốc.../.