Hoạt động giám sát của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là phương thức thể hiện quyền lực cao nhất của Nhà nước, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 đã đánh dấu bước đổi mới quan trọng của Quốc hội - lần đầu tiên Quốc hội có một đạo luật riêng quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Cùng với sự vận động, đổi mới không ngừng của Quốc hội Việt Nam, hoạt động giám sát cơ bản đã giải quyết được những hạn chế, bất cập. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã áp dụng nhiều cải tiến, đổi mới, đạt được những kết quả tích cực như: hoạt động chất vấn tại kỳ họp được tăng thêm từ 2,5 ngày lên 3 ngày chất vấn đối với mỗi thành viên Chính phủ. Hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, đề cập đến những vấn đề thực sự bức xúc trong đời sống xã hội. Kết quả giám sát đã từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh chủ trì buổi làm việc
Về hoạt động "hậu giám sát", xem xét kiến nghị giám sát của các cơ quan, quy chế quy định theo hướng các kiến nghị được tổng hợp lại và xem xét làm 2 đợt trong năm (tháng 4 và tháng 9 hàng năm). Những kiến nghị có tính cấp bách cần xem xét ngay, các cơ quan sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình phiên họp gần nhất. Kiến nghị giám sát của các cơ quan được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và xử lý trước thông qua việc ra nghị quyết tại phiên họp; chỉ những kiến nghị phức tạp mới trình ra Quốc hội xem xét. Đồng thời, việc xem xét gắn với chế tài xử lý các cơ quan thực hiện không nghiêm các kiến nghị để nâng cao tính hiệu lực của hoạt động giám sát. Đây là quy định mới, Tổng Thư ký Quốc hội đã tham mưu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thực hiện lần đầu vào tháng 3/2017, hiện đang trong quá trình rút kinh nghiệm, hoàn thiện cách tổ chức thực hiện. Năm 2018, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động này, nhằm nâng cao hơn nữa việc theo dõi thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Đỗ Thị Hải Yến phát biểu ý kiến tại hội thảo
Tham luận tại hội thảo, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Đỗ Thị Hải Yến cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tham mưu phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động giám sát còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: giám sát thường xuyên chưa bao quát toàn diện, chưa đủ điều kiện đi sâu vào các vấn đề cụ thể, nhạy cảm mà cử tri bức xúc, xã hội quan tâm. Còn thiếu chuyên viên giỏi về một số lĩnh vực như quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế...Do vậy, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh là yếu tố quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát ở địa phương.
Thạc sĩ Trần Văn Tám, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu phát biểu tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, Thạc sĩ Trần Văn Tám, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ, đòi hỏi bộ máy giúp việc phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện và phối hợp thực hiện có hiệu quả, kịp thời, đúng quy định chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Hàm Phó Vụ trưởng, Vụ Dân tộc, Nguyễn Văn Tiến đề nghị trong thời gian tới Văn phòng Quốc hội cần ban hành quy chế phối hợp giữa các cục, vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội về tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói riêng. Trên cơ sở đó, quy định rõ ràng nhiệm vụ của các đơn vị trong hoạt động giám sát cũng như có chế phối hợp, tham mưu phục vụ giám sát.
Hàm Phó Vụ trưởng, Vụ Dân tộc, Nguyễn Văn Tiến trình bày ý kiến tại hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh khẳng định, việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm, giành được sự quan tâm thể hiện trách nhiệm của các đại biểu và các nhà chuyên gia. Công tác phối hợp tham mưu phục vụ hoạt động giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng phản ánh chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó, công tác phối hợp mang ý nghĩa hết sức quan trọng, là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
Đại biểu Quốc hội tham gia hội thảo
Nhiều ý kiến, góp ý đã được các chuyên gia, đại biểu đưa ra bàn luận tại hội thảo
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh phát biểu bế mạc hội thảo