HỖ TRỢ TÍCH CỰC, THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC PHỤC VỤ ĐBQH TRÌNH DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

14/07/2023

Sáng 14/7, tại Nhà Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đã chủ trì cuộc làm việc giữa Văn phòng Quốc hội với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí và một số cơ quan về việc hỗ trợ, phục vụ đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật Chuyển đổi giới tính.

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ VỀ VIỆC HỖ TRỢ TRÌNH DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa, đại diện một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tài chính cùng một số cơ quan hữu quan.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Giáo sư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần phát biểu

Thực hiện nhiệm vụ do Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, qua tiếp cận hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, dự kiến Kế hoạch soạn thảo dự án Luật, Văn phòng Quốc hội nhận thấy mặc dù thời gian đến tháng 10/2024 mới trình lần đầu, nhưng khối lượng công việc phải triển khai là tương đối lớn. Vì vậy, Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc làm việc với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí và các Bộ, ngành có liên quan nhằm hỗ trợ các điều kiện bảo đảm, phục vụ đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án Luật này.

Tại cuộc làm việc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã trình bày những nội dung cơ bản của Luật Chuyển đổi giới tính và việc triển khai công tác xây dựng dự án luật này. Các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến thành phần Ban soạn thảo, thành phần Tổ biên tập, con dấu của Ban soạn thảo, việc hỗ trợ đại biểu Quốc hội tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các điều kiện đảm bảo, đầu mối hỗ trợ đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo theo đề nghị của đại biểu Quốc hội. Đến nay, Đại biểu Quốc hội đã dự kiến cơ cấu thành phần Ban soạn thảo gồm Trưởng Ban soạn thảo; 02 Phó Trưởng Ban; 12 Thành viên Ban soạn thảo.

Các đại biểu đề xuất bổ sung sự tham gia của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Một số chuyên gia, nhà khoa học am hiểu các vấn đề chuyên môn và các khía cạnh khác liên quan đến dự án Luật mà đại biểu Quốc hội trình do nội dung chuyển đổi giới tính có liên quan đến các vấn đề truyền thống văn hóa, gia đình cũng như nhóm đối tượng thanh thiếu niên.

Về thành phần Tổ biên tập, theo quy định tại Điều 54 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Tổ biên tập do Trưởng Ban soạn thảo thành lập. Tuy nhiên, để bảo đảm hỗ trợ đại biểu Quốc hội được chu đáo, nhiều ý kiến đề nghị đại biểu Quốc hội cung cấp danh sách thành phần Tổ biên tập để Văn phòng Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng thể cùng với thành phần Ban soạn thảo.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Về đầu mối hỗ trợ đại biểu Quốc hội, Theo Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm “tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và trình dự án luật, pháp lệnh".

Hiện đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội được giao tham mưu, triển khai nhiệm vụ này là Vụ Tổng hợp, đó là “Tham mưu tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ trình sáng kiến, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi có yêu cầu”. Do đó, những vấn đề liên quan đến tham mưu, phục vụ đại biểu Quốc hội trình dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Văn phòng Quốc hội sẽ giao Vụ Tổng hợp làm đầu mối.

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, xác đáng của các đại biểu.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trên cơ sở kết quả cuộc làm việc này, Văn phòng Quốc hội sẽ xây dựng báo cáo kết quả cuộc làm việc để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập và dự kiến các vấn đề cần triển khai trong thời gian tới nhằm bảo đảm tính tổng thể trong công tác phục vụ. 

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính tại cuộc làm việc

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại cuộc làm việc

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày những nội dung cơ bản của Luật Chuyển đổi giới tính và việc triển khai công tác xây dựng dự án luật

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đóng góp một số ý kiến về việc xây dựng dự án luật

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa cho rằng cần tăng cường tham khảo kinh nghiệm của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này

Các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến thành phần Ban soạn thảo, thành phần Tổ biên tập, con dấu của Ban soạn thảo, việc hỗ trợ đại biểu Quốc hội tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các điều kiện đảm bảo, đầu mối hỗ trợ đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, trên cơ sở kết quả cuộc làm việc này, Văn phòng Quốc hội sẽ xây dựng báo cáo kết quả cuộc làm việc để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập và dự kiến các vấn đề cần triển khai trong thời gian tới nhằm bảo đảm tính tổng thể trong công tác phục vụ./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức