Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội làm việc với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cụm Đồng bằng Sông Hồng

21/04/2017

Chiều 21/4, tại Hà Nội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã làm việc với 7 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cụm Đồng bằng Sông Hồng về việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh chủ trì buổi làm việc.

Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội (VPQH); lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố cụm Đồng bằng Sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh và Hải Dương.

Theo Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Hồng sau thời gian triển khai Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13, về công tác tham mưu, tổng hợp, Văn phòng Đoàn các tỉnh, thành phố đã tham mưu với Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố tổ chức các hội nghị lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án luật tham gia góp ý vào các dự án luật, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ Hai, thứ Ba, Quốc hội khóa XIV. Các hội nghị được tổ chức bài bản, nền nếp và hiệu quả. Ngoài ra, đã tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH, đã phối hợp phục vụ tốt các đoàn khảo sát, giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về làm việc tại địa phương; tham mưu, phục vụ ĐBQH tại các cuộc tiếp xúc cử tri, điển hình như Văn phòng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã tham mưu, phục vụ 98 hội nghị, Tp. Hải Phòng là 29 hội nghị, tỉnh Bắc Ninh là 24 hội nghị... Sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri, Văn phòng các Đoàn đã xây dựng các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố theo quy định.

Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu, phục vụ tốt các hoạt động của Đoàn ĐBQH tại kỳ họp thứ Nhất, thứ Hai, Quốc hội khóa XIV; tham mưu, phục vụ ĐBQH trong Đoàn tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh, thành phố, trụ sở của Đoàn, hoặc Văn phòng Đoàn trực tiếp tiếp công dân. Từ tháng 8/2016 đến hết tháng 3/2017, Văn phòng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã tham mưu, phục vụ ĐBQH trong Đoàn tiếp 429 lượt công dân, nhận được 1.497 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân; Văn phòng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đã tham mưu phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội 10 buổi tiếp công dân theo lịch, đã tiếp 120 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 116 đơn thư của công dân; Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã tham mưu, phục vụ ĐBQH tiếp được 46 lượt công dân, đề nghị giải quyết được 25 vụ việc; tiếp nhận 12 đơn của công dân gửi tại phiên tiếp dân, tiếp trên 50 lượt công dân tại trụ sở của Đoàn gửi đơn thư hoặc phản ánh vụ việc…

Về công tác hành chính, tổ chức quản trị và nhiệm vụ khác, các Văn phòng đã thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của từng công chức, người lao động theo chương trình của Văn phòng Quốc hội, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Văn phòng trên cơ sở kết hợp với nhu cầu vị trí việc làm, lãnh đạo Văn phòng xin ý kiến Lãnh đạo Đoàn ĐBQH danh sách công chức, người lao động đủ điều kiện tham gia đào tạo bồi dưỡng và báo cáo Văn phòng Quốc hội. Việc nâng lương thường xuyên, tăng lương trước thời hạn, Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã thực hiện thống kê danh sách và diễn biến lương của công chức, người lao động báo cáo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Quốc hội ban hành quyết định nâng lương thường xuyên, trước thời hạn cho công chức, người lao động theo đúng quy định.

Công tác thi đua khen thưởng cũng được thực hiện tốt theo hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội về chế độ báo cáo, đăng ký, bình xét thi đua. Văn phòng Đoàn ĐBQH 07 tỉnh, thành phố không có trường hợp nào vi phạm phải xử lý kỷ luật, không nhận được đơn thư, khiếu nại tố cáo của công chức, người lao động; cấp ủy, lãnh đạo Văn phòng, Ban chấp hành công đoàn cơ quan thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của công chức, người lao động. Công chức, người lao động các Văn phòng Đoàn ĐBQH đã thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Về công tác thông tin, việc phối hợp cung cấp thông tin, hình ảnh kỳ họp, hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tới các Đài Phát thanh- truyền hình, Cổng thông tin điện tử địa phương được thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Các Văn phòng Đoàn đã phối hợp tốt với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tại địa phương đưa tin kịp thời các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, xây dựng luật của Đoàn ĐBQH; thường xuyên cập nhật và khai thác thông tin trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội; phối hợp tốt với Vụ Thông tin- Văn phòng Quốc hội cung cấp tư liệu, hình ảnh về hoạt động của Đại biểu, Đoàn ĐBQH. Ngoài ra, các Văn phòng Đoàn đã phối hợp tốt với Văn phòng Quốc hội để tổ chức các đoàn thăm Nhà Quốc hội. Bên cạnh đó, công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, tin học cũng đã được đảm bảo….

Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và một số đại biểu khác cho rằng, thực hiện Nghị quyết 1097/2015/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, số lượng biên chế ở mỗi Văn phòng thấp, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải đảm nhận. Hiện nay tại các Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố ngoài công tác chuyên môn, chuyên viên còn kiêm công tác kế toán, văn thư, hành chính, tổ chức, quản trị, thi đua, khen thưởng, tin học, công tác Đảng, Công đoàn… do đó đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn. Địa vị pháp lý, việc phân cấp như xét nâng lương, thưởng, nghỉ phép, cử công chức đào tạo, bồi dưỡng, công tác tài chính…còn gặp nhiều khó khăn; việc chỉ đạo, điều hành, trong phối hợp quan hệ công tác và việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi công chức trong mối quan hệ với các Văn phòng cấp ủy, UBND, HĐND địa phương còn nhiều hạn chế.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Phạm Huy Thông phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo hoạt động của Văn phòng còn thiếu, kinh phí hàng năm hạn hẹp, trụ sở chung với Văn phòng HĐND tỉnh, phòng làm việc chưa đáp ứng, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, mạng máy tính và đường truyền kết nối Internet hiện sử dụng chung với Văn phòng HĐND, chưa có phần mềm thống nhất xử lý đơn thư.

Do đó, để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH theo Nghị quyết 1097/2015/UBTVQH13, các đại biểu đề nghị Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, cơ cấu, số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn phù hợp hơn; chỉ đạo các vụ chức năng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng các Đoàn ĐBQH địa phương, trong việc phục vụ hoạt động của UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khi về công tác tại địa phương; thống nhất trong việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH, của Văn phòng Đoàn ĐBQH, có hướng dẫn cho từng chủ tài khoản riêng biệt để chủ động trong hoạt động của Văn phòng Đoàn; quan tâm bố trí đủ kinh phí cho những hoạt động đặc thù theo hướng dẫn của VPQH; triển khai xây dựng phần mềm văn thư, điều hành xử lý công việc, xử lý đơn thư; đầu tư, đảm bảo trang thiết bị cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi chia tách, thành lập; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp....

Theo Thành Ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, địa vị pháp lý của Văn phòng Đoàn ĐBQH cần phải dựa trên cơ sở xác định địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH. Đây là mấu chốt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà Văn phòng Đoàn ĐBQH đang gặp phải. Cùng quan điểm như trên, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Phạm Huy Thông nhận định, “Văn phòng Đoàn ĐBQH có mạnh thì Đoàn ĐBQH mới mạnh, Đoàn ĐBQH mạnh thì Quốc hội mới mạnh”. Do đó đề nghị cần nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò của Văn phòng Đoàn ĐBQH trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, buổi làm việc với Văn phòng Đoàn ĐBQH 7 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Hồng nằm trong chuỗi làm việc với 9 cụm Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành trên cả nước nhằm xem xét các vấn đề trong việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1907/2015/UBTVQH13. Ghi nhận ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định sẽ chỉ đạo các vụ, đơn vị chuyên môn tham mưu, tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, những vấn đề đã đặt ra với các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trên cả nước.

Tin và ảnh: Quang Minh