NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG

01/03/2024

Luật Công chứng được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 07 năm thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả. Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Theo Chương trình xây dựng luật năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI BỘ TƯ PHÁP VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Theo Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để đạt được mục đích sửa đổi như đã đặt ra, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Công chứng lần này tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn.

Một là, xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp

Hai là, phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững

Ba là, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao

Bốn là, xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.

Luật Công chứng được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Nhiều quy định của Luật Công chứng đã đi vào thực tiễn cuộc sống, được Nhân dân đồng tình, đón nhận. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng có bước chuyển biến theo hướng tích cực. Hoạt động công chứng có những bước phát triển cả về chất và lượng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là dịch vụ cơ bản thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp, giảm khiếu nại, khiếu kiện.

Đội ngũ công chứng ngày càng được kiện toàn về số lượng và chất lượng, từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Việc hành nghề của công chứng viên cơ bản bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Đa số công chứng viên có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết và chuyên tâm với nghề.

Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Các Văn phòng công chứng được thành lập, phát triển cả về quy mô và hiệu quả hoạt động. Việc đổi mới các Phòng công chứng được thực hiện theo đúng chủ trương bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước; một số Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính đã góp phần giảm gánh nặng về biên chế và ngân sách nhà nước, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng.

Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, nhất là các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở được thực hiện cơ bản chính xác, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa các tranh chấp, khiếu kiện, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tế cho thấy việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, như: việc đào tạo, bồi dưỡng, tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn lúng túng, thiếu nhất quán, nhất là sau khi bỏ Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng; cơ chế tài chính đối với Phòng công chứng tự chủ về tài chính còn nhiều vướng mắc; một số quy định của pháp luật về loại hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở phải được công chứng và về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn có quan điểm, cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự, an toàn xã hội; công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy đầy đủ vai trò tự quản.

Những vướng mắc, bất cập trong thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật, có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện. Trong đó, một số quy định của Luật Công chứng không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một số quy định của các luật có liên quan đến hoạt động công chứng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn chưa thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, nhận thức về vị trí, vai trò của nghề công chứng ở một số cơ quan, địa phương còn chưa đầy đủ, vẫn còn cách hiểu coi công chứng là hoạt động kinh doanh thông thường. Nhận thức về nghề công chứng của một bộ phận công chứng viên chưa đầy đủ, còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân trong quá trình hành nghề. Một số công chứng viên chưa cập nhật đầy đủ kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng hành nghề; phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp còn hạn chế; chưa có ý thức trong việc xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh của nghề…

Để khắc phục các vướng mắc, bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về công chứng và pháp luật có liên quan trong thời gian tới, cần nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay về tổ chức và hoạt động công chứng.

Trong đó, cần tiếp tục tập trung vào một số định hướng: Phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn việc bảo đảm quyền hành nghề của công chứng viên với việc chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện; tiếp tục đổi mới các Phòng công chứng bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có cơ chế tài chính phù hợp bảo đảm hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo về chuyên môn và chất lượng hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước về công chứng; có biện pháp phù hợp, khả thi nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;

Ngoài các hợp đồng, giao dịch phải công chứng theo quy định thì khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính và giảm chi ngân sách nhà nước, trong đó nghiên cứu việc chuyển giao từng bước theo lộ trình phù hợp thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch của Ủy ban nhân dân xã, Phòng Tư pháp huyện về cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện trong trường hợp trên địa bàn huyện đã có tổ chức hành nghề công chứng;

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nghề công chứng, bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc phát triển nghề công chứng; gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương trong việc kiểm soát phát triển tổ chức hành nghề công chứng; chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15; nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp của các Bộ, ngành với Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động công chứng, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin, liên thông các thủ tục hành chính; đấu tranh phòng chống tội phạm, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp. Phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, nhất là trong việc đấu tranh với các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động hành nghề công chứng./.

Bảo Yến