Thảo luận Tổ 8: Tăng cường năng lực, bảo đảm để HĐND Thành phố thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao
Thảo luận tại phiên họp tổ, các đại biểu tán thành việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Các đại biểu nhận định, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ nhà giáo các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục được bổ sung về số lượng, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với giáo dục nói chung và đối với nhà giáo vùng DTTS nói riêng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS ở các vùng miền núi.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 8
Tuy nhiên, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn các tỉnh miền núi còn thiếu so với định mức và quy mô học sinh tăng hàng năm. Đội ngũ giáo viên ở vùng sâu vùng xa thiếu tính ổn định; thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt là thiếu nguồn tuyển dụng ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật. Các đại biểu bày tỏ băn khoăn, sau khi dự thảo Luật này được thông qua, liệu có giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay? Làm sao để các nơi vùng sâu vùng xa có đủ giáo viên cần thiết để thực hiện đầy đủ và chất lượng chương trình giáo dục phổ thông?
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên ở vùng DTTS, cụ thể: Định mức biên chế giáo viên tuy được quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với số học sinh tăng hằng năm; Chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh về tạo nguồn, tuyển dụng, hỗ trợ giáo viên để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Vì vậy, để từng bước giải quyết các tồn tại trên góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo, tuyển dụng đặc cách nhà giáo và có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 6.
Đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu
Đại biểu cũng nhấn mạnh, cần có các chính sách đặc thù hỗ trợ cho Nhà giáo người dân tộc thiểu số tham gia các chương trình, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, như học bổng, chế độ trợ cấp để đảm bảo họ có đủ điều kiện tiếp cận và có cơ hội phát triển chuyên môn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quy định cụ thể hơn sau khi ban hành luật về các nội dung như: quy định chính sách đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo người dân tộc thiểu số; chính sách tạo nguồn và nâng cao số lượng và chất lượng nhà giáo người dân tộc thiểu số; chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo khi làm việc tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; chính sách cử tuyển để phát triển nguồn nhân lực nhà giáo người dân tộc thiểu số...
Bên cạnh đó, về chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, đại biểu cho biết, tại điểm a khoản 2 Điều 28 quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vấn đề này đại biểu cũng thống nhất với báo cáo thẩm tra và cho rằng chính sách này là cần thiết, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác. Đại biểu chỉ ra thực tiễn, những giáo viên trẻ, giáo viên nữ, giáo viên tăng cường từ vùng thuận lợi khi đến công tác tại vùng này rất thiếu thốn chỗ ở tập thể. Thậm chí nhiều giáo viên không thể thuê nhà công vụ, vì một số địa phương không có nhà công vụ để bố trí cho giáo viên thuê, đặc biệt là những giáo viên có người thân chuyển đến cùng. Do đó, đây là yếu tố quan trọng để giữ chân nhà giáo yên tâm công tác giảng dạy hết mình mà không phải lo lắng quá nhiều tới vấn đề chỗ ở cho bản thân và gia đình.
Cũng góp ý cho việc hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên quan tâm tới Điều 23 quy định về thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu nêu rõ, điểm b khoản 2 Điều 23 quy định trường hợp nhà giáo không được thuyên chuyển đó là “Công tác chưa đủ 03 năm tính từ thời điểm được tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nhà giáo trừ trường hợp tự nguyện, tình nguyện thuyên chuyển công tác về cơ sở giáo dục ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.” Đại biểu đề nghị quy định cụ thể mốc thời gian là thời điểm tuyển dụng hay thời điểm bổ nhiệm chức danh nhà giáo. Vì hai mốc thời gian này khác nhau hoàn toàn. Người được tuyển dụng vào làm nhà giáo phải thực hiện chế độ tập sự, thử việc. Sau thời gian tập sự, thử việc nếu đáp ứng yêu cầu mới được bổ nhiệm vào chức danh nhà giáo.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tham gia ý kiến
Cũng cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long quan tâm tới quy định tại Điều 44 về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Theo đó, dự thảo Luật quy định: “Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác”.
Đại biểu đề xuất cần xem xét bổ sung đối tượng giáo viên chủ nhiệm lớp 1. Thực tế cho thấy vai trò của đội ngũ này rất quan trọng và khối lượng công việc cũng nhiều. Đây là lớp đầu tiên ở cấp học, các em học sinh lớp 1 như “tờ giấy trắng”. Giáo viên lớp 1 là người đặt viên gạch đầu tiên tạo nền tảng vững chắc cho những lớp sau. Bên cạnh việc rèn chữ, giáo viên phải rèn tác phong, nề nếp cho các em. Ngay cả trong thực hiện các phong trào, cuộc thi, giáo viên lớp 1 cũng phải lo tập trung nhiều hơn để rèn giũa cho học sinh vì các em chưa ổn định được nề nếp. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cần phải có phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác cao hơn so với các nhà giáo khác để có thêm động lực nỗ lực nhiều hơn.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tại phiên họp
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại phiên họp
Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tại phiên họp
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu
Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu./.