Đề xuất thay đổi cách thức, quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn

22/11/2024

Chiều ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại Tổ 2.

Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động văn hóa, báo chí

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có bố cục gồm 3 Điều. Việc xây dựng dự án Luật là nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; sửa đổi các quy định làm phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát; bổ sung các quy định mới, hoàn thiện các quy định đã có nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể và luật hóa các quy định, hướng dẫn trong các văn bản dưới luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được tổ chức thi hành ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là cần thiết, phù hợp, có hiệu quả.

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát; đồng thời cho rằng hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý về việc bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát), đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng, nội dung này không phải là nguyên tắc mà là mục đích để thông qua giám sát để chúng ta có thể nắm bắt thêm về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của các địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị không bổ sung nội dung này vào nguyên tắc giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Hà Phước Thắng

Đối với quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo (khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát), đại biểu Hà Phước Thắng tán thành với Phương án 2 là giữ như quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật hiện hành về thời điểm Quốc hội xem xét các báo cáo để bảo đảm tính thời sự, đồng bộ với việc Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của năm sau.

Liên quan đến trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội khi tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đại biểu đề nghị quy định theo hướng Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổ chức nghiên cứu, phân loại đơn, lưu đơn, hoàn đơn, có văn bản hướng dẫn công dân hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để giải quyết. Đồng thời đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội theo hướng đại biểu Quốc hội có thể chuyển trực tiếp đơn thư đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị không bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri vì các nội dung này đã được quy định tại Nghị quyết 1156 của Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức

Nêu ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội hiện đang còn nhiều hạn chế, chủ yếu do các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) còn tình trạng chưa thống nhất, mâu thuẫn với luật, gây vướng mắc trong thực thi. Do vậy, đại biểu mong muốn dự thảo Luật sửa đổi lần này cần giao cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chủ động thực hiện giám sát chất lượng các văn bản dưới luật, để tháo gỡ được những điểm nghẽn, ách tắc trong quá trình thực tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn – hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu sáng kiến về việc thay đổi cách thức và quy trình hoạt động chất vấn. Theo đó, đại biểu Quốc hội từ việc "bấm nút" ngẫu nhiên để chất vấn Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp sang gửi câu hỏi trước để các Bộ trưởng, trưởng ngành có thể chuẩn bị trả lời một cách hiệu quả hơn. Thông qua đó, Bộ trưởng, trưởng ngành có thể phân loại và tổng hợp trước các câu hỏi của đại biểu Quốc hội thành các vấn đề lớn, sau đó trả lời từng vấn đề một cách chi tiết và toàn diện.

Tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các đại biểu Quốc hội sau khi nghe Bộ trưởng trả lời các nhóm vấn đề nếu thấy chưa thỏa đáng có thể bấm nút tranh luận sâu hơn để làm sáng tỏ các vấn đề. Theo đại biểu, nếu thay đổi như vậy sẽ tránh được các câu hỏi chất vấn trùng lặp, tiết kiệm thời gian và đảm bảo các câu hỏi được trả lời một cách hiệu quả.

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận về các nội dung của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp tổ:

Các đại biểu tại Phiên họp

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Nguyễn Minh Đức

Đại biểu Đỗ Đức Hiển

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương – Phạm Thắng