ĐBQH đề xuất tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn

22/11/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các ĐBQH tại Tổ 5 cho rằng, cần rà soát, quy định đầy đủ, chi tiết hơn các quy định về chính sách xã hội hóa trong xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn.

Sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật giúp tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch

Quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành đối với Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Tham gia họp tại Tổ 5 có Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang.

Thiếu quy định về hiệu lực của Tiêu chuẩn Việt Nam

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về hiệu lực của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và việc phải áp dụng phiên bản nào của TCVN. Điều này dẫn đến có những trường hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) trích dẫn đến việc áp dụng cứng TCVN (nghĩa là quy định áp dụng một TCVN cụ thể nào đó, mà không nói đến việc khi TCVN hết hiệu thì áp dụng TCVN phiên bản mới thay thế cho TCVN cũ). Việc này cũng dẫn đến tổ chức, cá nhân vẫn thực hiện chứng nhận, công bố áp dụng đúng TCVN cứng đã trích dẫn trong QCKTQG (dù TCVN đã hết hiệu lực và đã có phiên bản mới thay thế).

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn là tự nguyện và việc hủy bỏ TCVN cũ không có nghĩa là cấm áp dụng TCVN phiên bản cũ. Do tổ chức, cá nhân có quyền làm những gì luật không cấm, nên vẫn có quyền áp dụng TCVN phiên bản cũ. Bên cạnh đó, các tổ chức đánh giá sự phù hợp vẫn thực hiện chứng nhận hợp quy trên cơ sở áp dụng TCVN phiên bản cũ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố bãi bỏ.

Với lý lẽ trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật sửa đổi các quy định về hiệu lực của tiêu chuẩn, cách thức áp dụng tiêu chuẩn rõ ràng hơn; hướng dẫn cụ thể đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, môi trường.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Liên quan đến nội dung, đề cập về mô hình quản lý về tiêu chuẩn, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, qua thông tin nghiên cứu thì rất ít quốc gia ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ lý do tại sao Việt Nam lại có cả tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia cùng song song tồn tại. Nên chăng chỉ cần có các quy định bắt buộc ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để bắt buộc áp dụng. 

Tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn

Một trong những chính sách đặt ra trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn. Đóng góp vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nêu quan điểm: "Để Luật hóa quy định này thì không chỉ dừng lại ở việc mở rộng các đối tượng được tham gia góp ý vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, mà nên giao Hội, Hiệp hội được trực tiếp xây dựng, ban hành một số tiêu chuẩn. Theo đó, nên thiết lập 2 loại tiêu chuẩn là Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) và Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng (TCH) theo nguyên tắc: TCVN do nhà nước xây dựng, tập trung nguồn lực vào xây dựng các Tiêu chuẩn liên quan đến quốc phòng, an ninh, còn các lĩnh vực khác, yêu cầu phải chứng nhận sự phù hợp thì nên trao quyền cho các Hội, Hiệp hội ban hành".

Việc thiết lập cơ chế để các Hội, Hiệp hội ngành nghề có đủ công cụ giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc chấp nhận tiêu chuẩn hội và cho phép các hiệp hội đủ điều kiện ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm và quản lý chương trình chứng nhận sản phẩm. Các Hội, Hiệp hội có thể chủ động quy hoạch số lượng tổ chức chứng nhận, thử nghiệm hỗ trợ công tác quản lý chương trình chứng nhận của Hội. Nhà nước bảo hộ Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng thông qua việc xác nhận quyền tác giả đối với các Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đóng góp ý kiến về xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, khảo sát cho thấy, nguồn lực cho xây dựng TCVN hiện nay chủ yếu từ ngân sách Nhà nước nên rất hạn chế, dẫn đến số lượng, tính đa dạng của TCVN được công bố hằng năm chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, tổ chức và doanh nghiệp. Việc bổ sung một số quy định trong dự thảo luật đã cơ bản tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư và hoạt động TC&QCKT. Tuy nhiên, cần rà soát, quy định đầy đủ, chi tiết hơn về chính sách xã hội hóa trong hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn. Trong đó, nghiên cứu quy định các chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể như hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất… cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhất là đối với các lĩnh vực mới như: kiểm kê, xác nhận khí thải nhà kính; phát triển bền vững; năng lượng sạch…

Đối với việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động trong lĩnh vực TC&QCKT, dự án Luật đã bổ sung nhiều quy định liên quan tới nguồn lực thực hiện đối với các cơ quan trong hoạt động TC&QCKT (Điều 59, 60). Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy định tại khoản 16 về trách nhiệm của Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán ngân sách hằng năm là chưa phù hợp với pháp luật về ngân sách Nhà nước. Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, xung đột.

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 5 còn đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên thảo luận

Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai và Vĩnh Phúc tham gia Phiên thảo luận

Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Dương Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Bích Lan - Nghĩa Đức