NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT KHI SÁP NHẬP VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI – VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN – VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN

31/07/2018

Thực hiện Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 của Đảng đoàn Quốc hội về việc xây dựng Đề án “Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung”, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án tại ba khu vực (miền Bắc, miền Trung- Tây Nguyên và miền Nam).

Trong các ngày 20/7, 27/7 và 31/7, Văn phòng Quốc hội đã lần lượt tổ chức Hội nghị Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh.

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH - Văn phòng HĐND - Văn phòng UBND cấp tỉnh tại Hà Nội

Đây được xem là hành động cụ thể của Văn phòng Quốc hội với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo nhằm tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Sắp xếp lại bộ máy tổ chức các văn phòng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả

Dự thảo Đề án xác định việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng trên cần phải đạt được các yêu cầu: Việc tổ chức thực hiện không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng chung phải đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy; đồng thời vừa đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung vừa phải đảm bảo chức năng riêng của từng lĩnh vực của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Việc quản lý cơ sở vật chất của Văn phòng sau khi hợp nhất phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định của Nhà nước. Tổ chức hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng bộ với các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, tạo sự đoàn kết, thống nhất.

Tại Hà Nội, đa số ý kiến đại biểu tại Hội nghị đều thống nhất cao với chủ trương thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức Văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của Văn phòng.

Việc hợp nhất sẽ góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương, có khả năng thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành địa phương về công tác tại Văn phòng chung, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.

Ước tính khi thực hiện hợp nhất 03 Văn phòng, sẽ giảm được 02 đầu mối cơ quan tương đương cấp Sở ở mỗi địa phương; tương ứng với đó giảm được 02 cấp trưởng và 03 cấp phó ngành, nhiều đầu mối cấp phòng và Trưởng, Phó Trưởng phòng. Theo tính toán sơ bộ ban đầu, với 3 cơ quan độc lập như hiện nay, có 189 Chánh Văn phòng, ít nhất 378 Phó Chánh Văn phòng, nếu thành lập Văn phòng chung sẽ giảm được 126 Chánh Văn phòng và ít nhất 126 Phó Chánh Văn phòng. Khối hành chính, quản trị sẽ được tổ chức lại thành bộ phận giúp việc chung.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Văn Muôn phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó kinh phí hoạt động và việc đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Văn phòng do một đầu mối quản lý sẽ tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc sử dụng nguồn kinh phí đối với các hoạt động chung và tập trung nguồn lực xây dựng chế độ chung tốt hơn đối với công chức, người lao động.

Khó khăn khi tiến hành hợp nhất các văn phòng

Bên cạnh những kết quả hứa hẹn sau hợp nhất thì việc hợp nhất khối 3 văn phòng cũng gặp không ít khó khăn bởi một Văn phòng nhưng có chức năng, nhiệm vụ phục vụ nhiều đối tượng khác nhau với ba chủ thể chỉ đạo khác nhau, ba cấp trên trực tiếp khác nhau là Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân sẽ có những bất cập trong việc vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách sau đó lại tiếp tục tham mưu giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật nên không khách quan và chất lượng, hiệu quả không cao.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Văn Muôn, một chủ thể phục vụ cho 3 cơ quan có sự kiểm soát lẫn nhau thì việc thiết kế chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức…là cực kỳ khó khăn. Do đó để đảm bảo hiệu quả hoạt động tham mưu phục vụ cho các cơ quan thì cơ cấu tổ chức của các phòng tham mưu cần có tính độc lập tương đối.

Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng, trong hoạt động của các văn phòng hiện nay thì các nhiệm vụ hành chính, công ác lễ tân hậu cần, quản lý phương tiện cơ sở vật chất, công tác tổ chức cán bộ, công tác tiếp nhận xử lý khiếu nại tố cáo, tài chính kế toán…có thể gộp chung được. Song các phòng tham mưu giúp việc cho các chủ thể là Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cần được tổ chức riêng.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh dẫn chứng, trong hoạt động giám sát, cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch, đề cương, nội dung giám sát cho Đoàn đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân cũng tham mưu xây dựng báo cáo của cơ quan thực thi là không hợp lý. Ngoài ra, giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều có những điểm tương đồng là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhưng về thứ bậc là khác nhau, phạm vi phụ trách khác nhau nên khó gộp chung được. Do đó các phòng tham mưu cho các cơ quan, đặc biệt là tham mưu cho đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội phải có tính chuyên nghiệp để bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan góp ý về dự thảo Đề án

Có thể thấy việc hợp nhất 03 Văn phòng không chỉ là sáp nhập “cơ học” mà cần phải xác định rõ tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của Văn phòng chung cho phù hợp để tránh sự chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh. Đặc biệt, phải có sự nghiên cứu để thay đổi quy trình công việc, trong đó phân định rạch ròi chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định các nội dung và chức năng tham mưu cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, giám sát các vấn đề đối với Ủy ban nhân dân cùng cấp. Điều này đòi hỏi sự khách quan, khoa học, độc lập trong tham mưu, đề xuất của Văn phòng để tránh việc mâu thuẫn, thiếu khách quan trong quá trình hoạt động, thực thi nhiệm vụ.

Do đó, dự thảo ban đầu của Đề án đề xuất, Văn phòng chung nên là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân. Chánh Văn phòng chung sẽ là người điều hòa, chỉ đạo việc phối hợp các phòng, đơn vị để thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc chung, tránh chồng chéo hay đùn đẩy nhiệm vụ.

Đồng thời với việc xây dựng mô hình Văn phòng chung phù hợp, cũng cần phải chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tăng tính chủ động trong việc định hướng, hoạch định chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại địa phương để ý kiến tham mưu, đề xuất của Văn phòng là một kênh tham khảo quan trọng nhưng không mang tính quyết định. Nói cách khác, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải là tập thể trí tuệ, sáng suốt và có tầm nhìn bao quát để thẩm định việc tham mưu của Văn phòng là đúng và hợp lý hay chưa, từ đó đưa ra quyết định chính xác và khả thi. Thực hiện được điều này sẽ giúp tránh được sự thiếu khách quan nếu có trong vai trò tham mưu của Văn phòng về cùng một vấn đề cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Hội nghị tại Hà Nội

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc hợp nhất 3 văn phòng là thực hiện thí điểm, vướng đến đâu gỡ đến đó. Đây là cơ sở, căn cứ để báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp. Đồng thời nêu rõ, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều theo đúng mục tiêu thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng. Đó là phải góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu để hoàn thiện Đề án./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác